Hàng Việt hối hả sang Anh
“Nhịp cầu” UKVFTA
Lễ xuất khẩu lô hàng gồm 11 tấn bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Anh vừa được Công ty cổ phần Nông nghiệp RYB cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức vào đầu tuần này. Lô hàng được vận chuyển theo đường biển, dự kiến cập cảng nước Anh vào đúng dịp tết Nguyên đán 2023.
Gần 1 tháng trước, lô bưởi đỏ Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình cũng đã lên đường sang Anh.
Trong 2 năm qua, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nông - thủy sản Việt trở nên phổ biến hơn tại thị trường Anh. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng động lực quan trọng từ UKVFTA (có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021).
Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến nghị: “Doanh nghiệp Việt cần xúc tiến thương mại trực tiếp, tham gia nhiều hội chợ để tìm kiếm khách hàng, giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu hàng hóa của đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng thay đổi như thế nào để xuất khẩu sang Anh hiệu quả hơn” |
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 5,2 tỷ USD.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA” được tổ chức ngày 13/12, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: “Kết quả tăng trưởng xuất khẩu này cho thấy, các doanh nghiệp đã biết tới UKVFTA, tận dụng lợi thế của ‘người đi trước’ - quốc gia đầu tiên trong ASEAN có FTA song phương với Anh - để thúc đẩy xuất khẩu”.
Theo khảo sát của VCCI, 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, trong quan hệ giữa Việt Nam với thị trường Anh.
Chẳng hạn, ngành thủy sản, qua 11 tháng đã xuất khẩu sang thị trường Anh đạt 287 triệu USD, không bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này rất có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát tại Anh tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, song doanh nghiệp đã tận dụng được lợi thế để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường này.
“Nếu như không có UKVFTA, thì tình hình sẽ ít khả quan hơn”, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
Không những thế, nhờ UKVFTA, xuất khẩu tôm sang thị trường Anh vẫn tăng trưởng tốt, chiếm 1/4 thị phần, đồng thời, đứng vị trí số 1 tại thị trường Anh.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh chia sẻ: “Chưa bao giờ thương hiệu Việt và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay, tăng trưởng của các nhóm hàng đều đạt 12 - 19%”.
Ông Cường đánh giá, chất lượng nhiều sản phẩm Việt Nam không hề thua kém sản phẩm Trung Quốc và Thái Lan. Hàng rào thuế quan hay các tiêu chuẩn kỹ thuật dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước tại Anh thoáng hơn EU, thuận lợi cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh xuất khẩu sang Anh, vấn đề còn lại là doanh nghiệp cần đổi mới phương pháp tiếp cận khách hàng, thị trường.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, trong các nước Đông Nam Á, Thái Lan vẫn chiếm giữ được thị phần nông sản xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Anh, nhưng các doanh nghiệp Thái Lan cũng dành sự tôn trọng đáng kể đối với doanh nghiệp Việt Nam. Các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang cạnh tranh trực diện với nhiều sản phẩm của Thái Lan.
Trong điều kiện hiện nay, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng về xuất khẩu và nhập khẩu của Anh để giành thị phần. Trong đó, biện pháp tiếp cận hiệu quả, không thể thay thế là xúc tiến thương mại, kết nối trực tiếp với khách hàng.
Nhấn mạnh, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu của Anh, ông Christopher Jeffery, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại Việt Nam đánh giá, dư địa cho hàng Việt tại Anh đang rất rộng mở.
Với dung lượng thị trường lớn, mức thuế nhập khẩu được xóa bỏ theo cam kết UKVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần “nhanh chân” hơn, mạnh tay chi đầu tư sản xuất, tăng hàm lượng giá trị xuất xứ, cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật để chinh phục thị trường có quy mô nhập khẩu 700 tỷ USD/năm.