Xuất khẩu chè thu về 64,5 triệu USD trong 5 tháng
Xuất khẩu chè kỳ vọng kim ngạch 245 triệu USD Xuất khẩu chè đạt khoảng 130 nghìn tấn |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu chè trong tháng 5/2023 đạt 9,3 nghìn tấn, trị giá 15,6 triệu USD, giảm 2,2% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với tháng 5/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 5/2023 đạt 1.676,3 USD/tấn, giảm 5,5% so với tháng 5/2022.
Xuất khẩu chè còn nhiều tiềm năng. |
Xuất khẩu chè tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khi các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan và Nga giảm nhu cầu. Lượng và trị giá xuất khẩu tới thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt 14,3 nghìn tấn, trị giá 26,5 triệu USD, giảm 0,7% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan đạt 4,9 nghìn tấn, trị giá 7,8 triệu USD, giảm 46,4% về lượng và giảm 58,5% về trị giá; tới Nga đạt 3,1 nghìn tấn, trị giá đạt 5 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, chè xuất khẩu tới các thị trường như: Iraq, Trung Quốc tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên lượng xuất khẩu tới 2 thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng thấp nên không bù đắp được mức giảm từ các thị trường chính khác.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, với thị trường EU, Việt Nam là thị trường cung cấp chè ngoài khối lớn thứ 16 cho EU, lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,7% tổng lượng chè nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối. Tiềm năng thị trường còn rất lớn, tuy nhiên để tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn khi thị trường EU có nhiều quy định ngày càng thắt chặt.
Đáng chú ý, chè của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào); chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU.
Do đó, để vượt qua được các rào cản về kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường các nước EU, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp.