Tính chuyện đàm phán FTA với Thị trường chung Nam Mỹ
Đưa Việt Nam và Argentina thành những điểm kết nối giữa thị trường Nam Mỹ và Đông Á Việt Nam luôn coi Brazil là đối tác lớn và quan trọng ở Nam Mỹ |
Thương mại với châu Mỹ “thắng lớn”
Khu vực châu Mỹ gồm 35 quốc gia, dân số hơn 1 tỷ người, là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 153,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vượt 128 tỷ USD, tăng 12,2%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.
Thặng dư thương mại giữa Việt Nam với thị trường khu vực châu Mỹ đạt mức lịch sử hơn 102,5 tỷ USD...
Năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Mỹ có nhiều thuận lợi nhờ loạt FTA đang thực thi, như CPTPP, FTA Việt Nam - Chi Lê… Các FTA này tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng năm 2023, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Mỹ đạt 18,9 tỷ USD, giảm 18,2%; với châu Âu đạt 10,83 tỷ USD, giảm 13,3%; với châu Đại Dương đạt 2,25 tỷ USD, giảm 3,5% và với châu Phi đạt 1,07 tỷ USD, giảm 3,7% so với 2 tháng năm 2022.
Dù theo đà giảm chung của thương mại toàn cầu, nhưng khu vực châu Mỹ là thị trường đặc biệt quan trọng với xuất khẩu trong năm 2023 và nhiều năm tới.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), hàng hóa Việt Nam khẳng định vị thế tốt hơn tại khu vực châu Mỹ và có nhiều cơ hội để tăng trưởng tốt hơn khi các doanh nghiệp khai thác các FTA hiện hành.
Theo ông Linh, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào năm 2021, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày càng được chú trọng.
Tính chuyện đàm phán FTA với Mercosur
Trong kế hoạch của Bộ Công thương, cùng với việc tận dụng tối đa 15 FTA đang có hiệu lực, sẽ đồng thời thúc đẩy đàm phán các FTA mới như, FTA với các nước Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La-tinh...
Năm qua, khu vực 4 thị trường này ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều với Việt Nam tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,4%; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Mercosur là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, do đó, đây là thị trường rất tiềm năng đối với các mặt hàng tiêu dùng vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá của Bộ Công thương, các nước Mercosur có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản, trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mercosur là thiết bị điện tử, viễn thông, dệt may, giày dép…
Cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp cũng là một thế mạnh của Việt Nam trong việc tiếp cận gần hơn với thị trường này.
Hiện nay, các nước Mercosur chưa có bất cứ thỏa thuận ưu đãi thương mại nào với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, do vậy, việc tiếp cận thị trường này sẽ tạo ra cú hích lớn cho hàng hóa của Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Mỹ có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt, song các chuyên gia cho rằng, đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tổng trị giá xuất khẩu vẫn là chính yếu.
Thêm vào đó, hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang châu Mỹ chưa cao, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh..., dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Hơn nữa, khó khăn và trở ngại khi tiếp cận thị trường châu Mỹ là khía cạnh địa lý ở khá xa Việt Nam khiến gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển.