Tín hiệu tăng tốc xuất khẩu sang Trung Quốc của hàng Việt
Xuất khẩu tôm còn nhiều trăn trở Sẵn sàng xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc |
Nỗ lực chinh phục thị trường tỷ dân
Khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam đang có mặt tại Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia Hội chợ quốc tế Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc (CISMEF 2023) lần thứ 18, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 30/6/2023. Các sản phẩm chủ đạo được doanh nghiệp Việt mang đi tiếp thị là hàng nông thủy sản, trái cây tươi, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa.
Dẫn đầu Đoàn doanh nghiệp tham gia CISMEF 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tổ chức đoàn doanh nghiệp dự Hội chợ lần này là một trong những nỗ lực của Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hàng Việt ngày càng có vị thế tại thị trường tỷ dân, nhưng cùng với sức cầu lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa cũng cao hơn, buộc các nhà sản xuất trong nước phải tuân thủ, chuẩn hóa quy trình sản xuất...”, ông Hải nói.
Ở tầm cao hơn, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mang lại nhiều kết quả quan trọng và thực chất.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm qua. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. |
Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; tạo điều kiện để Việt Nam sớm mở thêm một số văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; cấp thêm hạn mức hàng Việt quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba.
Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), về kinh tế thương mại, hai Thủ tướng Chính phủ của hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
Cùng đó, Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho nông sản Việt, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc.
Thị trường tỷ dân có nhu cầu tiêu dùng lớn, nhất là hàng nông thủy sản, nhưng để hàng Việt có thể bám chắc thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý, phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhập khẩu, vì Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có số lượng hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất, tập trung vào thủy sản, nước trái cây, bánh các loại. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng Việt để không còn bị “nhận diện” là “hàng giá rẻ”.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dần hồi phục, nhiều tín hiệu tốt
Trong nửa đầu năm, cùng chịu tác động của suy giảm kinh tế, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, nhưng nếu như xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ giảm 26%, thì với thị trường Trung Quốc, mức giảm tương đối thấp.
Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 61 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%; nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 41,1 tỷ USD.
Thời gian qua, nhờ nỗ lực đàm phán của các bộ, ngành, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho một số loại hoa quả, nông sản của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang.
Các loại nông sản, hoa quả vừa được mở cửa là những sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước nâng cao thị phần và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này
Không khó để nhận ra những tín hiệu phục hồi rất tốt, nhất là với nhóm hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, dễ thấy là rau quả và gạo.
Trong 5 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,28 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ, chiếm gần 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Kỳ tích là mặt hàng sầu riêng đã xuất sang Trung Quốc 477 triệu USD trong 5 tháng (chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này) và dự báo có thể chạm 1 tỷ USD vào cuối năm nay.
Mặt hàng nông sản khác là gạo cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 632.469 tấn, trị giá 364 triệu USD, tăng gần 63% về lượng và tăng gần 79,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tiêu dùng gạo để chế biến thực phẩm tại thị trường này đang hồi phục, mở đường cho gạo có thể đạt mốc 800 - 850 triệu USD vào cuối năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.