Xuất khẩu tôm còn nhiều trăn trở
Xuất khẩu tôm kỳ vọng khởi sắc trong quý 2 Xuất khẩu tôm sụt giảm nửa tỷ USD |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong tháng 6, xuất khẩu tôm ước đạt 341 triệu USD, là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 18%, là mức giảm thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Lũy kế nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022 và mới đạt 37,2% kế hoạch năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep dự báo, hết năm 2023 xuất khẩu tôm dừng lại ở mức 3 tỷ USD “đã là thành công”. Con số này thấp hơn so với kế hoạch mà ngành hàng này đặt ra cho năm nay là trên 4,3 tỷ USD.
Dịch bệnh, xung đột dẫn đến kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát gia tăng. Người dân thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu, lựa chọn những thực phẩm giá rẻ… Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm và nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là từ Ecuador và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Indonesia, Ecuador thu hoạch tôm sớm với sản lượng tôm trúng mùa cả về lượng và kích thước tôm, cạnh tranh với tôm Việt Nam. Các đối thủ cũng đang cung ứng tôm với giá rẻ hơn tôm Việt Nam từ 1 - 2 USD/kg.
Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 hồi giữa tháng 6 của Vasep, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú (mã MPC) so sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg).
Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.
Ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Vasep, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết thêm, để tôm Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống cấp cao ở EU thì đòi hỏi tôm nuôi phải đạt chuẩn ASC, trong khi diện tích nuôi nước ta đạt chuẩn này còn quá ít. Không chỉ với tôm nuôi, ngay cả cơ sở chế biến cũng đã đòi hỏi tiêu chuẩn ASC.
“Muốn thực thi các bộ tiêu chí trên, tạm lấy nền tảng là ESG thì ít ra trước đó doanh nghiệp phải có sự lưu tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, phải quan tâm trách nhiệm xã hội…”, ông Lực chia sẻ.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện chiều sâu, cần theo đuổi lâu dài. Trước mắt, Chủ tịch FMC cho rằng trong bối cảnh khó này, cần có giải pháp thiết thực, kết hợp với động thái hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiếp cận được nguồn tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi tôm có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi trong giai đoạn hiện nay thay vì treo ao.
Tôm Việt Nam ngày càng giảm sức cạnh tranh so với Ecuador, Ấn Độ, Vasep cho rằng làm sao để nuôi tôm thương phẩm với giá thành thấp và tỷ lệ nuôi thành công cao, Việt Nam phải có được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành. Kết hợp từ công ty sản xuất con giống chất lượng tốt, thức ăn chất lượng với giá thành thấp, các đơn vị cung ứng chế phẩm nuôi trồng với giá cả hợp lý.
“Toàn ngành tôm cũng đang trông chờ Chính phủ và các bộ ngành có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành về giảm các chi phí, giảm lãi vay, tiền điện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định phòng cháy…”, Vasep nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến phải rà soát lại chi phí sản xuất, cắt giảm chi phí không cần thiết. Song song là cố gắng phát triển thêm các mặt hàng giá trị gia tăng có tỉ suất lợi nhuận tốt hơn (như sushi, tôm tẩm bột, tempura, tôm ăn liền…), các sản phẩm đặc thù như tôm nuôi quảng canh trong hệ rừng sinh thái cung cấp cho phân khúc thị trường cao cấp.
Ngoài các thị trường lớn với nhu cầu đang thấp, doanh nghiệp nên tìm tới những thị trường nhỏ như tại khu vực châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sĩ…) có sức mua tốt hơn do không có lượng tồn kho.
Một số giải pháp “giải cứu con tôm” của ông Hồ Quốc Lực: Thứ nhất, nhà cung ứng giống phải làm sạch lực lượng mình, thông qua thực thi bộ tiêu chí được thống nhất. Từ đó công khai những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng để người nuôi biết mà chọn lựa. Thứ hai, nhà chế biến phải hỗ trợ thông tin tình hình thị trường, giá cả thế giới để các mắt xích còn lại tham khảo, ứng xử. Nhà chế biến hết sức nỗ lực tiết kiệm giảm giá thành, cố gắng tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm có thêm thặng dư mua giá tôm thương phẩm tốt hơn. Đồng thời giảm thiểu mua tôm nguyên liệu block từ nước ngoài, tập trung ủng hộ tôm thương phẩm trong nước. Thứ ba, người nuôi (và nhà đầu tư người nuôi) phải chú trọng đầu vào có lựa chọn, chất lượng khá hơn. Nếu giá cả có cao hơn, thì thu hẹp quy mô nuôi theo khả năng. Nuôi ít mà chắc, từng bước mở rộng sau khi có tích luỹ. Song song cập nhật các quy trình nuôi có kết quả tốt để có thể ứng dụng theo hoàn cảnh. Thứ tư, nhà cung ứng thức ăn, chế phẩm nuôi… phải thắt chặt chi phí nhằm cung ứng người nuôi sản phẩm với giá mềm nhất. Thứ năm, sự nỗ lực hơn của vai trò quản lý nhà nước. Việc quản lý kiểm soát, lưu thông, tiêu thụ tôm phải chặt chẽ, quyết liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí cũng nên xem xét giá cả cung ứng của các yếu tố đầu vào nuôi tôm, quan trọng nhất là giá thức ăn. Dài hạn hơn là việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm. Ít tiền thì lo thủy lợi trước tiên. Thứ sáu, lo vốn cho người nuôi. Từ năm 2018 đã hình thành một chuỗi mới là sự liên kết giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi, góp phần vực dậy một bộ phận không nhỏ người nuôi, duy trì sản lượng tôm nuôi và có phát triển nhẹ các năm qua. |