Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Cần tiếp tục “Chia lửa” với doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần dùng các công cụ tài chính khi giao thương quốc tế Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Là cầu nối thông tin hiệu quả
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: 6 tháng năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã làm đầu mối, phối hợp cùng Thương vụ, đơn vị liên quan tổ chức các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vào cuối mỗi tháng. Hội nghị được thực hiện theo các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, chuyên đề chuyên sâu theo nhóm thị trường châu Phi - Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và theo nhóm ngành hàng xuất khẩu.
Tại các hội nghị, Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp gần 300 báo cáo, tham gia gần 50 tham luận cập nhật thông tin về tình hình thị trường sở tại, đánh giá các cơ hội cũng như những rủi ro, thách thức đối với hoạt động xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại; định hướng xu hướng phát triển xuất khẩu mới.
Xúc tiến xuất khẩu mở rộng thị trường cho hàng Việt. Ảnh minh hoạ |
Các Thương vụ cũng đề xuất nhiều giải pháp ứng phó phù hợp cũng như những biện pháp nhằm hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, song song với việc tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội thị trường nước ngoài.
Thông qua các Hội nghị, có 11 nhóm kiến nghị, đề xuất từ địa phương, hiệp hội đã được các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết và đưa vào dự trù kế hoạch thực hiện; có 148 nhóm kiến nghị, đề xuất, gợi ý đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu từ các Thương vụ được thông tin rộng rãi tới địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt và nghiên cứu triển khai.
Chung tay vượt thách thức
Với những hoạt động đã triển khai, ông Vũ Bá Phú cho rằng, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng đã tạo kênh trao đổi thông tin, tư vấn trực tiếp, hiệu quả, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương tiếp cận thị trường. Đặc biệt, các hoạt động này đã giúp nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ phát triển xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú cũng cho hay: Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam có nhu cầu yếu nhưng lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe… đã đem lại nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại nói chung, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thương vụ là nhanh chóng nắm bắt diễn biến mới nổi của thị trường, chủ trương, chính sách thay đổi của nước sở tại để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ… có đối sách hợp lý, có chiến lược, kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình mới, bài bản và hiệu quả hơn.
Từ bối cảnh trên, để công tác Thương vụ hiệu quả hơn, “chia lửa” với hoạt động xuất nhập khẩu nhằm đạt chỉ tiêu ngành được giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao nhiệm vụ cho Thương vụ.
Cụ thể, các Thương vụ chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; đồng thời, giúp hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: Cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng xanh…; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ, ngành liên quan và địa phương, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ, kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Để các Thương vụ thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng mong muốn: Các địa phương, hiệp hội ngành hàng tích cực cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình, nhu cầu, yêu cầu xuất nhập khẩu của địa phương / ngành hàng, các đề xuất cụ thể cần sự phối hợp, hỗ trợ của Thương vụ tại từng thị trường cụ thể; chuyển tải các thông tin hữu ích từ chuỗi chương trình do Thương vụ cung cấp tới tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp tại địa phương/hiệp hội.