Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Việt Nam phấn đấu mang về 395 tỉ USD nhờ xuất nhập khẩu khởi sắc Xuất nhập khẩu khởi sắc, cơ hội nào cho những tháng cuối năm? |
Vốn là điểm sáng của nền kinh tế trong nhiều năm qua song từ đầu năm đến nay, xuất nhập khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường. Xin ông điểm qua đôi nét về tình hình xuất nhập khẩu của nước ta trong những tháng đầu năm 2023?
Hai năm 2021-2022 hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động, kim ngạch nói chung đều tăng trưởng ở mức hai con số. Tuy nhiên, sang đến năm 2023 tăng trưởng chậm lại, những tác động, nguyên nhân thì cũng thấy rất rõ trong đó có tình trạng lạm phát, cũng như suy thoái và giảm sức mua trên thị trường lớn.
Qua 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 135 tỷ USD giảm khoảng 13%, nhập khẩu đạt 125 tỷ USD giảm khoảng 18%. Xét về các nhóm hàng có thể thấy các nhóm hàng về nguyên liệu và các hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng giảm tương đối sâu ở mức 13-14%, nhóm hàng nông thủy sản có sụt giảm nhưng ít hơn khoảng 3,7%, trong khi mặt hàng thủy sản sụt giảm rất lớn ở mức 27%
Tuy nhiên, cũng thấy trong nhóm nông thủy sản có những mặt hàng tăng trưởng rất mạnh, ví dụ như nhóm hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hầu hết tại các thị trường lớn chúng ta đều ghi nhận sự sụt giảm như vậy.
Có thể nhận thấy trên bức tranh xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở hầu khắp các thị trường truyền thống. Trong bối cảnh đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã được tính đến ra sao? Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa cơ hội xuất khẩu hàng hóa?
Việc đa dạng hóa thị trường một trong những thể hiện rõ nhất là thông qua đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), tại thời điểm này Việt Nam đang có 15 FTA đã ký và thực hiện. Còn 2 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và FTA với Israel, trong đó FTA với Israel cũng đã kết thúc đàm phán và sẽ tổ chức ký kết trong thời gian sớm từ nay đến cuối năm.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương |
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang xem xét và thúc đẩy việc triển khai mở thêm các FTA mới trước hết là FTA với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đây cũng là quốc gia có hoạt động thương mại rất phát triển ở khu vực Trung Đông và cũng có thể thông qua quốc gia này làm cửa ngõ đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi.
Khu vực Nam Mỹ chúng ta có tổ chức MERCOSUR (Khối Thị trường chung Nam Mỹ) bao gồm có 6 quốc gia ở khu vực Nam Mỹ, đây cũng là thị trường rất tiền năng, hiện nay chúng ta cũng có FTA với một số quốc gia trong khu vực này ví dụ như Chile, Peru. Tuy nhiên, với cả khu vực Nam Mỹ đặc biệt là thị trường Brazil và Argentina thì chúng ta chưa có.
Do đó, việc xem xét ký FTA với những khu vực này sẽ là những hướng ưu tiên để có thể mở cửa thị trường cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường doanh nghiệp. Tất nhiên, vẫn còn có khu vực khác nữa ví dụ như khu vực châu Phi cũng là một khu vực có diện tích và dân số rất lớn, khu vực Nam Á với các quốc gia như Iran, Iraq, Pakistan, Afghanistan cũng là những thị trường phải tiếp tục nghiên cứu.
Xuất nhập khẩu được dự báo sẽ còn gặp nhiều trở ngại và việc tăng trưởng lên đến 2 con số như giai đoạn trước sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới. Vậy theo ông, tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hoá trong giai đoạn tới sẽ có được nhờ những yếu tố nào? Bộ Công Thương đang và sẽ triển khai những giải pháp gì để tạo điều kiện tốt cho cho doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu?
Một thuận lợi lớn nhất của chúng ta là lực lượng sản xuất đang duy trì rất tốt. Điều này khác với thời gian chống dịch khi ta phải đối diện với đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn cung do chống dịch, khiến cho hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Còn hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn về vấn đề thị trường và ta đang tập trung giải quyết vấn đề thị trường.
Trước hết, với các FTA mà ta đang có thì việc khai thác các FTA vẫn sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.
Tuy nhiên câu chuyện ở đây là để khai thác thị trường có FTA thì chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Câu chuyện về xuất xứ chỉ là quy định nhưng đằng sau nó là câu chuyện thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng.
Doanh nghiệp của chúng ta có thể bước đầu chưa hiểu rõ về quy tắc xuất xứ và chưa nắm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên việc thay đổi cơ cấu đầu tư cũng như gia tăng hàm lượng nguyên liệu nội khối trong sản phẩm bằng cách hợp tác với các nước trong khuôn khổ các FTA còn hạn chế. Như vậy việc phổ biến và làm doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này là trách nhiệm mà chúng tôi thúc đẩy trong thời gian tới.
Thứ hai là vấn đề xúc tiến thương mại. Chúng ta thấy rằng việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là giải pháp quan trọng, song nó chỉ là một trong những trở ngại mà ta gặp phải khi đi ra thị trường. Nếu hàng rào đó được xóa bỏ nhưng doanh nghiệp của chúng ta không nắm rõ được thị hiếu và các quy định tiêu chuẩn khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì khó khăn vẫn còn đó.
Do đó vai trò của xúc tiến thương mại là bên cạnh việc giúp chúng ta tìm kiếm được các bạn hàng mới, cơ hội kinh doanh mới thì còn phải thúc đẩy được doanh nghiệp đi ra ngoài và nắm bắt được các yêu cầu của thị trường bên ngoài tốt hơn, giúp doanh nghiệp có tự tin.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì khách hàng sẽ lựa chọn nhà cung cấp tin cậy nhất và đáp ứng được các yêu cầu của họ, đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Khi các chuỗi cung ứng xanh được hình thành thì chỉ các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về giảm phát thải, chứng minh được các công trình nhà xưởng đáp ứng được tiêu chuẩn xanh thì họ mới mua. Ví dụ như ở Bangladesh, các doanh nghiệp dệt may Bangladesh khi có được các chứng nhận xanh thì dù nhu cầu ở thị trường thế giới có suy giảm thì họ vẫn có đơn hàng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng rất quan tâm để đa dạng hóa nguồn thông tin thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn tin từ các Thương vụ. Tại Bộ Công Thương, chúng tôi có những trang thông tin để cung cấp thông tin doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!