Thích ứng ‘không tiền mặt’, giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm
Tỷ trọng các giao dịch của người dân rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của Napas giảm mạnh do người dân đã quen với các giao dịch không tiền mặt như: Cà thẻ, chuyển khoản, trả qua ví điện tử.
Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như: Mobile banking, Internet banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)... giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng, hạn chế tiếp xúc...
Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 43% trong 5 năm qua. Việt Nam cũng có một lượng lớn dân số trẻ yêu thích và am hiểu về công nghệ. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas, quá trình triển khai Chiến lược đến năm 2025, Napas tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của môi trường thanh toán tại Việt Nam, qua đó góp phần vào quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
"Ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế", ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán - NHNN cho biết.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Napas tập trung triển khai một số giải pháp trọng điểm như: Phát triển hệ sinh thái của thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước ban hành; thúc đẩy việc phát triển mạng lưới chấp nhận thông qua các ngân hàng thanh toán, trung gian thanh toán, các đại lý bán hàng, các đối tác có sẵn mạng lưới bán hàng lớn; mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ, mã QR…) tại hệ thống các điểm thanh toán; xây dựng và triển khai các chương trình marketing, truyền thông thúc đẩy thanh toán nội địa và thanh toán bán lẻ dựa trên các giải pháp của Napas.