Thuế là giải pháp hiệu quả để hạn chế sử dụng thuốc lá?
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đang được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này cần được thực hiện một cách thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.
Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định
Bộ Tài chính vừa công bố phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, với mục tiêu tăng thu ngân sách và giảm tỷ lệ hút thuốc. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân.
Mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030.
Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Theo các chuyên gia, tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Ảnh: Thế Dân |
Mặc dù mục tiêu tăng thu ngân sách và giảm tỷ lệ hút thuốc là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng mức tăng thuế quá cao và đột ngột sẽ tạo ra những vấn đề "nóng" khác. Theo đó, việc tăng giá đột ngột có thể khiến người hút thuốc khó khăn trong việc cai nghiện hoặc chuyển sang các sản phẩm thay thế không đảm bảo chất lượng. Điều này trái ngược với mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc mà chính sách này hướng tới. Mặc dù ban đầu có thể tăng thu ngân sách đáng kể, nhưng trong dài hạn, việc tăng giá quá cao có thể dẫn đến giảm tiêu thụ mạnh, làm giảm thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc này có thể khiến giảm sản lượng thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người lao động trong ngành và người nông dân trồng thuốc lá...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ tại Tọa đàm “Cân nhắc lộ trình khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt” rằng cần có mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá một cách phù hợp, có lộ trình tăng vừa phải để tránh gây sốc dẫn đến những hậu quả tiêu cực với an sinh xã hội, doanh nghiệp và phòng, chống thuốc lá lậu. “Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm và chỉ ở mức hạn chế. Vì vậy, cần có ứng xử mềm dẻo, cân nhắc các tác động của sự thay đổi chính sách thuế lên cả chuỗi sản xuất, đặc biệt là người nông dân và các bên liên quan tại vùng nguyên liệu”.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu kép vừa tăng thu ngân sách vừa giảm tỷ lệ hút thuốc, cần có những giải pháp tổng thể hơn. Thay vì tăng thuế đột ngột, cần tăng thuế một cách từ từ để người tiêu dùng có thời gian thích nghi. Tăng cường kiểm soát biên giới, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá. Đề ra các chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng.
Buôn lậu thuốc lá: Thách thức lớn trong bối cảnh tăng thuế
Việt Nam với đường biên giới dài và phức tạp, cùng với nhu cầu tiêu thụ thuốc lá lớn, đã trở thành thị trường hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu. Các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng kẽ hở trong chính sách, địa hình phức tạp và sự thiếu chặt chẽ trong quản lý để vận chuyển trái phép thuốc lá từ các nước láng giềng về Việt Nam.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm mục tiêu giảm tiêu dùng và tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng, chính sách này sẽ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu. Bởi khi giá thuốc lá hợp pháp tăng cao, chênh lệch giá giữa thuốc lá lậu và thuốc lá chính ngạch sẽ ngày càng lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia vào đường dây buôn lậu.
Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng chính sách "tạm nhập tái xuất" của một số nước láng giềng để xây dựng các kho hàng tập kết thuốc lá, chờ thời cơ vận chuyển trái phép về Việt Nam. Việc tăng thuế sẽ khiến cho việc buôn lậu trở nên có lợi nhuận hơn, từ đó kích thích các hoạt động này phát triển mạnh mẽ.
Phản hồi ý kiến cho rằng tăng thuế khiến giá thuốc lá cao hơn sẽ dẫn đến nhiều thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam, bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, điều này không đúng. “Bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức buôn lậu thuốc lá chủ yếu bị ảnh hưởng bởi năng lực thực thi chống buôn lậu chứ không phải là mức giá và thuế”. Tương tự, mối lo thuế cao hơn sẽ dẫn tới mất việc làm trong ngành thuốc lá cũng “không đúng”. “Khi giá thuốc lá tăng, chi tiêu của mọi người sẽ được chuyển sang các sản phẩm khác. Thêm vào đó, việc tăng nguồn thu cho ngân sách Chính phủ nhờ tăng thuế thuốc lá có thể được đầu tư trở lại vào các lĩnh vực khác để tăng sản lượng của nền kinh tế”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói.
Các chuyên gia cũng đề nghị, bên cạnh chính sách thuế, cần có các chính sách khác nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Có thể nói, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng đối với sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công cụ này để hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Tăng thuế phải đề ra lộ trình để Việt Nam có thể dùng công cụ thuế song song với việc gia tăng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và sử dụng các biện pháp hành chính khác đi kèm để giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá.
Vì thế, Việt Nam cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời, giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh, khiến tỷ lệ giảm sử dụng thuốc lá không như kỳ vọng.