Thuế bất động sản có giúp 'kiềm' giá nhà đất?
Luật Thuế bất động sản sẽ ngăn chặn đầu cơ bất động sản? Kinh nghiệm quốc tế trong việc 'đánh' thuế cao kiểm soát bất động sản Đánh thuế bất động sản thứ hai có làm tăng giá nhà đất? |
Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản
Theo Công văn số 5333/BXD-QLN gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra đề xuất chính sách đánh thuế đối với những cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều bất động sản. Mục tiêu của chính sách này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại nhà đất trong thời gian ngắn để kiếm lời, góp phần ổn định thị trường.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua, gây áp lực lớn lên nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Việc đánh thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản được kỳ vọng sẽ làm giảm sức nóng của thị trường, đồng thời thu được nguồn ngân sách để đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội.
Đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết hoàn toàn ủng hộ việc đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản. Theo đó, việc áp dụng chính sách này sẽ giúp tránh tình trạng đầu cơ, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển minh bạch và ổn định hơn.
Việc đánh thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản được kỳ vọng sẽ làm giảm sức nóng của thị trường. Ảnh: Nguyễn Hương |
Đánh giá về việc áp dụng thuế bất động sản này, Savills Việt Nam cho rằng điều này cần được xem xét trong bối cảnh giá nhà tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội đang quá cao (đều trên 68 triệu đồng mỗi m2). Nguồn cung nhà ở phân khúc vừa túi tiền (dưới 3 tỷ đồng) đang cạn kiệt dần qua các năm và căn hộ sơ cấp giá dưới 2 tỷ đồng cũng đã hoàn toàn biến mất.
Bà Cao Thị Thanh Hương, quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills, dẫn chứng mỗi năm, giá nhà TP. HCM tăng trung bình 5-10%, giả sử một hộ gia đình thu nhập trung bình, dù có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, cũng cần hơn 30 năm để mua một căn nhà (với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng).
"Giá nhà tăng liên tiếp sẽ làm nghiêm trọng tình trạng bất bình đẳng xã hội, tiềm ẩn mầm mống bất ổn an sinh về lâu dài", bà Hương nhìn nhận.
Theo bà, các chủ sở hữu bất động sản ở Việt Nam hiện nay không phải chi trả thuế tài sản trong khi khung thuế, phí chuyển nhượng cũng thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ ý kiến “Ở những nước có đánh thuế bất động sản, hay thuế với sở hữu nhà thường dựa vào diện tích, vị trí, giá trị mà họ không đánh thuế nhà thứ 2 như ý kiến của nhiều người. Đặc thù của nhà đất, bất động sản của nhà đất cần tính đến là chúng được sử dụng cho mục đích gì, đó mới là tư duy của chính sách. Nếu chỉ có một nhà giá trị rất lớn nhưng chỉ có ở thôi không làm gì hoặc có nhiều nhà nhưng giá trị chẳng bao nhiêu. Ví dụ như ở vùng sâu, vùng xa hoặc có hai nhà đấy nhưng một nhà ở quê, một nhà ở thành phố lớn thì tất cả những trường hợp đó đều phải đặt lên bàn để nghiên cứu cân nhắc”.
Thuế bất động sản thứ hai: Giải pháp khả thi cho nhà ở xã hội?
Trước thực trạng nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng cao, các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc cung cấp nguồn cung nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn.
“Giả sử có thể tiết kiệm tối đa 40% thu nhập mỗi tháng, một hộ gia đình thu nhập trung bình sẽ cần hơn 30 năm để có thể mua một căn nhà với điều kiện giá nhà không tiếp tục tăng. Nhưng với diễn biến gia tăng liên tục của của thị trường thì điều này là phi thực tế, khiến bất bình đẳng xã hội gia tăng và tiềm ẩn mầm mống bất ổn an sinh về lâu dài”, bà Cao Thị Thanh Hương phân tích.
Bà Hương nhìn nhận các chính sách đã được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời cân nhắc áp dụng các biện pháp như thuế bất động sản thứ hai nhằm tối ưu hóa nguồn lực và điều tiết thị trường.
Theo bà Hương, thuế bất động sản thứ hai đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Bà đưa ra 3 lý do chính:
Thứ nhất, thuế bất động sản giúp gia tăng nguồn thu ngân sách để tái đầu tư và an sinh xã hội.
Thứ hai là chức năng kiểm soát nguồn tài nguyên quốc gia thông qua việc gia tăng nghĩa vụ tài chính với các hộ thu nhập cao đang sử dụng nhiều tài nguyên (nhà – đất).
Thứ ba, so với các sắc thuế chủ lực khác như thuế doanh nghiệp, thực thể tính thuế ở đây là bất động sản khiến cá nhân khó trốn thuế. Sắc thuế bất động sản cũng không cần cạnh tranh hay bị giới hạn bởi các hiệp định quốc tế, do đó dễ dàng hơn cho các cơ quan quản lý hoạch định nguồn thu ngân sách dự kiến.
Để thực hiện áp thuế tài sản, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kĩ thuật, công cụ tính thuế, đặc biệt là minh bạch và số hóa toàn bộ dữ liệu bất động sản dân cư trở thành rào cản lớn nhất. Do vậy, việc xác định giá trị giao dịch chính xác, minh bạch hóa các giao dịch, cũng như xác định rõ ràng quyền sở hữu là những vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, để đưa mức thuế hợp lý cũng là một bài toán cần giải quyết để vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành bất động sản, vốn có mối liên kết chặt chẽ với nhiều ngành kinh tế khác.