Thương mại điện tử: Miền đất hứa hay 'điểm nóng' trốn thuế?
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thương mại điện tử chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua các hành vi gian lận đang diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, việc quản lý thuế đối với các tổ chức kinh doanh xuyên biên giới cũng đang là một “điểm nóng”.
Vì sao trốn thuế trong thương mại điện tử lại diễn biến phức tạp?
Thời gian qua, cơ quan thuế ghi nhận nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất “ẩn danh” rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh thương mại điện tử. Ảnh minh họa |
Đặc trưng của kinh doanh trực tuyến là tính ẩn danh cao, giúp các đối tượng dễ dàng che giấu hoạt động kinh doanh, trốn tránh nghĩa vụ thuế. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin và mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức kinh doanh mới nổi lên, khiến việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, doanh thu của các hoạt động kinh doanh trực tuyến rất khó xác định chính xác, đặc biệt là đối với các giao dịch nhỏ lẻ, thanh toán qua ví điện tử.
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, một trong những chiêu trò phổ biến là chốt đơn hàng qua điện thoại. Bằng cách này, các giao dịch mua bán không được ghi nhận một cách minh bạch, giúp người bán hàng dễ dàng che giấu doanh thu và trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, sau khi livestream, quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người bán hàng hướng dẫn khách hàng chuyển khoản với những nội dung không liên quan đến giao dịch mua bán như “cho vay”, “trả nợ”, “quà tặng”... Mục đích của hành vi này là để che giấu bản chất giao dịch, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc truy vết và xác định doanh thu.
"Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình thương mại điện tử và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó mới có căn cứ tính thuế", Tổng cục Thuế đánh giá.
Những thách thức đối với cơ quan thuế
Mới đây nhất, sàn thương mại điện tử Temu, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai tại Trung Quốc, cũng gây nhiều quan ngại trong thất thu thuế. Thực tế sàn này hoạt động tại Việt Nam trong hơn 1 tháng vừa qua nhưng vẫn chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động. Mãi đến ngày 24/10, Temu mới vội vã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để thực hiện các yêu cầu về pháp luật tại Việt Nam.
Việc trốn thuế trong thương mại điện tử gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thất thu ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính bị thiệt thòi, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Trốn thuế cũng làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng "việc các sàn thương mại điện tử Trung Quốc tham gia thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh trong nước. Hàng hóa nước ngoài giá rẻ khiến hàng hóa trong nước không cạnh tranh nổi, thậm chí dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, mà hàng thương mại điện tử, hay đường nhập khẩu chủ yếu là giá trị nhỏ cho nên những mặt hàng này nghiễm nhiên được ưu đãi miễn thuế".
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương "cơ quan nhà nước cần vào cuộc xem xét nghiêm túc quy định, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử tính hợp pháp về thuế cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế giá rẻ tràn vào".
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Những quy định rõ ràng về nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh online, đặc biệt là đối với các giao dịch trên mạng xã hội. Cơ quan thuế cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh online, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hóa đơn điện tử, đây là một trong những giải pháp quan trọng để quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng. Bên cạnh đó, tuyên truyền về nghĩa vụ thuế và các hậu quả pháp lý của hành vi trốn thuế.
Thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của lĩnh vực này, cần có những giải pháp đồng bộ để quản lý thuế hiệu quả, đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế theo phương pháp “tự kê khai, tự nộp”. Để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế thực hiện kê khai và nộp thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định, trên trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế (https://gdt.gov.vn) có chuyên mục riêng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế điện tử. |