Tổng Cục Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận hóa đơn điện tử
Mặc dù quá trình chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng hoạt động mua bán hóa đơn điện tử vẫn diễn ra công khai trên các nền tảng mạng xã hội, bất chấp các biện pháp xử lý hình sự. Số lượng hóa đơn điện tử được giao dịch trái phép ngày càng tăng. Hành vi này không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh gian lận, cạnh tranh không lành mạnh.
Để đấu tranh hiệu quả chống lại loại tội phạm này, cơ quan thuế đã tăng cường phối hợp với cơ quan công an. Kết quả ban đầu cho thấy sự hợp tác giữa hai lực lượng đã đạt được những thành công đáng kể. Cụ thể, trong năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển giao 88 hồ sơ nghi vấn gian lận hóa đơn cho cơ quan công an để điều tra, khởi tố. Cơ quan thuế đã cung cấp 4.416 yêu cầu hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế cho cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, các đối tượng thực hiện hành vi gian lận hóa đơn cũng không ngừng thay đổi thủ đoạn như sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sau đó sử dụng để mua bán hóa đơn trái phép rồi bỏ trốn. Hay mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn để hợp pháp hóa hóa đơn không hợp pháp. Ngoài ra, các đối tượng thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản, nguyên nhiên vật liệu… nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Tình trạng mua bán hóa đơn điện tử trái phép trên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý thuế. Ảnh: Tổng cục Thuế |
Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội trên không gian mạng lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội… nhằm mục đích rao bán các hóa đơn giá trị gia tăng của các “doanh nghiệp ma” với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính.
Trước tình hình trên, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan thuế sẽ chủ động thu thập thông tin về các đối tượng rao bán hóa đơn trên không gian mạng, từ đó xác định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ngăn chặn việc phát tán, đăng tải các thông tin rao bán hóa đơn trái phép trên không gian mạng. Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, đánh giá và phân tích thông tin về hóa đơn, từ đó phát hiện các dấu hiệu bất thường và tiến hành kiểm tra, xử lý. Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật thuế và hóa đơn, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ các quy định và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm.
Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với cơ quan Công an và các cơ quan chức năng có liên quan như hải quan, ngân hàng... để truy vết, xử lý người nộp thuế mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hoá đơn. Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn sang cơ quan công an để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng ứng dụng cảnh báo xuất hóa đơn điện tử để hỗ trợ cơ quan thuế và cơ quan công an phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận hóa đơn điện tử, từ đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Thống kê đến thời điểm này, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý khoảng 7,2 tỷ hóa đơn (gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã). Hệ thống hóa đơn điện tử đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. |