Sàn thương mại điện tử Temu ‘làm nóng’ đề xuất thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ
Trong thời kỳ phát triển nền kinh tế số, kinh doanh thương mại điện tử trở nên phổ biến với các hình thức ngày càng đa dạng, ngành Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Vừa qua, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Temu tại thị trường Việt Nam đã tạo nên một làn sóng tiêu dùng mới, đặc biệt thu hút sự quan tâm của người mua bởi mức giá vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, hoạt động của các sàn thương mại điện tử này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Sàn thương mại điện tử Temu đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi chính thức “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Với hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu và miễn phí vận chuyển, Temu đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng Việt. Điều đáng nói là sàn thương mại điện tử này đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam trước khi hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Người tiêu dùng Việt Nam đang bị thu hút bởi vô số các quảng cáo, thông tin... tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử Temu với giá siêu rẻ. Ảnh: Nguyễn Hương |
Quyết định 87 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT). Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng với các loại hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống đã tạo điều kiện cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam.
Do đó, rất nhiều mặt hàng do các sàn thương mại điện tử như Temu, Taobao, 1688, Shein khi nhập khẩu vào Việt Nam đang hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu. Vấn đề này tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng đã đến lúc cần phải sửa Luật theo hướng tất cả các loại hàng hóa ra - vào quốc gia thì đều phải nộp thuế để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng để điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước rõ ràng hơn.
Mặt khác, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Công bằng mà nói, phải cạnh tranh sòng phẳng. Phải phụ thuộc vào quyết tâm, sáng kiến của các doanh nghiệp Việt Nam. Họ có lợi thế về phí vận chuyển, vì vậy nếu muốn tồn tại và phát triển phải ứng dụng công nghệ, giảm chi phí vận hành; hoặc phải tổ chức các hoạt động khuyến mãi, hậu mãi, nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, thu hút người tiêu dùng để tăng khả năng cạnh tranh”.
Việc hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Temu, Shein “tấn công” thị trường Việt Nam với mức giá cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, đằng sau những mức giá rẻ bất ngờ này là những ẩn số đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, hàng hóa không phải chịu các loại thuế sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất, từ đó có thể đưa ra mức giá bán thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đe dọa đến sự tồn tại của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi hàng hóa nhập khẩu tràn vào thị trường Việt Nam với giá rẻ, các ngành sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, dẫn đến thất nghiệp và giảm thu ngân sách nhà nước. Mặc dù giá trị mỗi đơn hàng không lớn, nhưng tổng số tiền thuế mà nhà nước mất đi là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đầu tư phát triển của đất nước.
Liên quan đến việc quản lý sàn thương mại điện tử mới như Temu, Tổng cục Thuế cho biết việc quản lý sàn thương mại điện tử mới như Temu hoạt động (mặc dù không hiện diện tại Việt Nam), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm khâu đăng ký hoạt động ban đầu. Sau khi đăng ký hoạt động, sản phẩm từ sàn thương mại điện tử như Temu vào Việt Nam sẽ chịu thuế VAT khi nhập khẩu.
Temu là "tân binh" đến từ PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới, đang nối gót các "đàn anh" như Taobao, 1688, Shein trong cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam và hút khách với những món hàng có giá siêu rẻ. Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. Như vậy, nếu Temu được chấp thuận gia nhập thị trường, sàn thương mại điện tử này phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của pháp luật. |