Thị trường ví điện tử Việt Nam: Tăng trưởng mạnh mẽ nhưng bài toán lợi nhuận vẫn còn bỏ ngỏ?
Hanwha Life Việt Nam ký hợp tác chiến lược cùng Ví điện tử MoMo và đơn vị trung gian thanh toán Payoo Thị trường ví điện tử: Miếng mồi ngon hay thách thức lớn? Ví điện tử đang dần lên ngôi |
Theo số liệu của Vietdata, thị trường ví điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với 57,31 triệu ví điện tử được kích hoạt tính đến cuối năm 2023, trong đó 36,23 triệu ví đang hoạt động thường xuyên. Tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn còn rất lớn, hứa hẹn bùng nổ trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tăng trưởng ấn tượng, thị trường ví điện tử cũng bộc lộ những thách thức trong việc đạt được lợi nhuận. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành cho thấy doanh thu tăng đều đặn nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn còn ảm đạm.
Cuộc đua khốc liệt trên thị trường
Phản ánh thực tế đầu tư trên cuộc đua tiếp thị, thị phần trong ngành ví điện tử cũng có sự biến động.
Cụ thể, ví VNPAY sở hữu hệ sinh thái VNPAY rộng lớn với hơn 350 nghìn điểm chấp nhận thanh toán nên có mức độ phủ sóng cao nhất thị trường. Tuy nhiên, Vietdata cũng đặt câu hỏi về con số, số lượng người dùng hơn 40 triệu người do doanh nghiệp do VNPAY công bố.
Thị trường ví điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: GenK |
MoMo là ví điện tử độc lập không có hệ sinh thái. Tuy nhiên start-up kỳ lân này đã chứng minh sức hút với thị trường ví điện tử khi có đến 31 triệu người sử dụng dịch vụ và mạng lưới hơn 140 nghìn điểm chấp nhận thanh toán (số liệu theo start-up này công bố trên truyền thông). Thực hiện tốt tính năng hỗ trợ quản lý tài chính, giao diện năng động, tiện ích mới mẻ giúp MoMo giành được phần lớn thị phần.
Một tương lai nhiều hứa hẹn tăng trưởng khi ZaloPay vừa ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới đồng thời công bố chạm mốc 14 triệu người dùng. Tận hưởng lợi ích từ hệ sinh thái của công ty mẹ VNG, ZaloPay ngày càng gia tăng mức độ phủ sóng.
ShopeePay chưa có con số chính thức về người dùng nhưng mức độ phổ biến là không thể bàn cãi. Phát triển từ hệ sinh thái Shopee, kèm theo sự tăng trưởng mạnh của ngành thương mại điện tử, ShopeePay thừa hưởng được một tệp khách hàng lớn và tần suất giao dịch cao.
Các ví điện tử Payoo, VNPT Pay, Ngân lượng hoạt động chủ yếu trong mảng thanh toán trung gian, các ví điện tử này có thị phần nhỏ, chức năng có phần đặc thù hơn và ít phổ biến hơn so với các đối thủ khác. Moca đã rời đi nhưng trước đó vẫn phổ biến thông qua hoạt động liên kết với Grab.
Dự đoán sau tháng 7 năm 2024, thị phần ví điện tử sẽ tập trung vào MoMo và ZaloPay khi hai ứng dụng này trở thành lựa chọn thanh toán hàng đầu trên ứng dụng Grab.
Doanh thu bứt phá, MoMo vươn lên vị trí thứ hai
Theo số liệu của Vietdata, thị trường ví điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự thống trị của các ví điện tử chú trọng vào hoạt động tiếp thị như VNPAY, MoMo và ShopeePay.
Trong số đó, MoMo nổi lên với tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, đạt hơn 9.400 tỷ đồng trong năm 2023, xếp vị trí thứ hai sau VNPAY. Nhờ chiến lược tiếp thị hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, MoMo đã thu hút lượng lớn người dùng trẻ tuổi, đặc biệt là Gen Z.
Điểm sáng trong hoạt động của MoMo là sự ra mắt thành công tính năng thanh toán VietQR và Miniapp Chứng khoán, giúp người dùng dễ dàng thực hiện giao dịch và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc Moca rời khỏi thị trường đã mở ra cơ hội cho MoMo trở thành đối tác thanh toán tiềm năng cho Grab, hứa hẹn thúc đẩy thị phần của ví điện tử này trong tương lai.
Tuy bứt phá về doanh thu, MoMo vẫn đang phải đối mặt với bài toán lợi nhuận. Doanh nghiệp này báo lỗ trong năm 2023, mặc dù lỗ ròng đã giảm đến 4 lần so với cùng kỳ trước.
Tình trạng thua lỗ chung của thị trường ví điện tử được cho là do chi phí tiếp thị và khuyến mãi cao, bên cạnh áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.
Nhìn chung, thị trường ví điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển sôi động, mạnh mẽ với tiềm năng to lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần có chiến lược hiệu quả để giải quyết bài toán lợi nhuận và hướng đến sự phát triển bền vững. Cuộc đua giành thị phần hứa hẹn sẽ ngày càng khốc liệt trong thời gian tới, với những cái tên như MoMo, ZaloPay và ShopeePay được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường.