Tăng cường sự tiếp cận của người di cư đối với dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao
Bảo hiểm y tế: Cần "gỡ" rào cản quyền lợi của các lao động di cư Bệnh lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị Bệnh lao kháng thuốc: Những điều cần biết |
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm Phòng chống lao và phong Campuchia (CENAT) khởi động dự án này. Dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét.
Hội thảo khởi động “Dự án Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia” đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án cũng gắn liền với việc thực hiện Quyết định số 5608/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư do Bộ Y tế ban hành vào tháng 12/2020 |
Dự án nhằm cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho người dân thường xuyên di chuyển ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời nâng cao hợp tác giữa các cơ quan y tế tại 4 tỉnh là An Giang, Tây Ninh (Việt Nam), và Svay Rieng, Takeo (Campuchia).
Người thường xuyên di chuyển qua lại biên giới thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do thiếu bảo hiểm y tế, rào cản ngôn ngữ, hiểu biết hạn chế về hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nước đến và bị phân biệt đối xử. Những trở ngại này có thể khiến việc chẩn đoán và điều trị lao chậm trễ, làm gián đoạn quá trình điều trị dẫn đến kết quả điều trị kém và kháng thuốc (MDR-TB).
Trong Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2022, Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng cao nhất toàn cầu về bệnh lao (TB) và lao đa kháng thuốc (MDR-TB), trong khi Campuchia đã không còn nằm trong danh sách 30 quốc gia toàn cầu của WHO có gánh nặng bệnh lao (2021-2025) và hiện còn nằm trong danh sách theo dõi.
Năm 2020, IOM đã phối hợp với Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam, Trung tâm Phòng chống lao và phong Campuchia thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu các rào cản và các yếu tố thuận lợi mà người di cư vùng biên giới gặp phải trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao đối với người di cư vùng biên giới ở 4 tỉnh nói trên. Kết quả của nghiên cứu này nhằm hỗ trợ cho các cơ quan y tế có liên quan của hai Chính phủ xây dựng các hoạt động hợp tác nhằm kiểm soát bệnh lao ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Bà Park Mihyung - Trưởng phái đoàn IOM - cho biết: “Việc đảm bảo sức khỏe cho người di cư đòi hỏi nỗ lực toàn diện giữa các quốc gia tham gia vào quá trình di cư của họ… Điều rất quan trọng là chúng ta cần phát triển và hoàn chỉnh hệ thống chuyển tuyến nhạy cảm với người di cư nhằm hỗ trợ những người di cư vùng biên giới mắc bệnh lao và tạo điều kiện thành lập các lực lượng phản ứng nhanh ở địa phương về bệnh lao và HIV/AIDS ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Svay Rieng và Takeo. Như vậy, chúng ta có thể đảm bảo việc điều trị bệnh lao cho người di cư vùng biên giới không bị gián đoạn nhờ tất cả các mạng lưới y tế ở khu vực này. Tôi cũng hoan nghênh sự hợp tác của các cơ quan không hoạt động trong lĩnh vực y tế, như: cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, an ninh biên giới, các cơ quan quản lý kinh tế và phát triển. Những nỗ lực này cho thấy tất cả chúng ta đều khẳng định tầm quan trọng của những người di cư khỏe mạnh đối với nền kinh tế thịnh vượng”.
Những nỗ lực đảm bảo sức khỏe của người di cư được Hội đồng Y tế Thế giới công nhận là mục tiêu sức khỏe toàn cầu quan trọng và là nền tảng của các Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, IOM đang hợp tác chặt chẽ với Nhóm Công tác y tế di cư, nhóm công tác liên ngành do Bộ Y tế thành lập, để giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe của người di cư; đồng thời phối hợp với các bên liên quan để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách y tế thân thiện với người di cư.