Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo: Nâng hiệu quả và khả năng cạnh tranh
Cần hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu lúa gạo, mở rộng thị trường xuất khẩu
Thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn
Liên quan đến đề án Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết, đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh lúa gạo Việt Nam; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị cũng như đảm bảo công bằng xã hội; phát triển ngành lúa gạo bền vững.
Thực hiện đề án này, chỉ tính riêng trong năm 2013, đã có 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xây dựng được 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 120.500ha; các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) xây dựng được 1.265 mô hình với tổng diện tích 35.518ha, tập trung chủ yếu tại tỉnh Thái Bình và Nam Định.
Trong năm 2014, mô hình cánh đồng mẫu lớn tiếp tục được xây dựng trên phạm vi cả nước với quy mô hàng trăm nghìn ha. Riêng vụ hè thu 2014 ở ĐBSCL có trên 100 nghìn ha lúa được các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và điều chỉnh bổ sung kinh phí cho các dự án sản xuất lúa giống vùng ĐBSCL. Hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt kế hoạch sản xuất giống lúa xác nhận năm 2014-2015 đối với vùng ĐBSCL.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác giống lúa, đề án tái cơ cấu của Cục Trồng trọt cho biết, thời gian tới ngành hàng lúa gạo sẽ đẩy mạnh sử dụng những giống lúa có năng suất, chất lượng, chống chọi sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi, đáp ứng yêu cầu của thị trường và có giá bán cao. Theo đó vùng ĐBSCL hướng tới thị trường xuất khẩu; sử dụng các giống lúa chất lượng gạo trắng, hạt dài và các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh với các giống cùng nhóm trên thị trường thế giới; vùng ĐBSH và các vùng còn lại sẽ sản xuất chủ yếu các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.
Liên kết tạo vùng nguyên liệu
Để tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo thành vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa lớn, ông Nguyễn Đồng Quảng cho biết: Tới đây ngành hàng lúa gạo cần tổ chức liên kết nông dân thành tổ nhóm, HTX cũng như thành lập các hội, hiệp hội đại diện cho nông dân trong xây dựng chính sách, xây dựng giá thu mua. Mặt khác, cũng khuyến khích các DN, kể cả các DN nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản) đầu tư thuê đất để sản xuất giống lúa, sản xuất lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước thứ 3 hoặc xuất trở lại các nước này.
Đề cập đến vai trò của DN trong mối liên kết này, ông Quảng cho rằng: DN tiêu thụ chế biến, xuất khẩu vẫn đóng vai trò chủ đạo, tạo sự kết nối và gắn kết nông dân với thị trường cũng như hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra. DN còn là nhân tố quan trọng giúp liên kết xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến; đặt hàng với nông dân số lượng, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất để có sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Về công tác xúc tiến thương mại ngành hàng lúa gạo, đề án tái cơ cấu cũng đề cập đến việc hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu lúa gạo để duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường mới như Bắc Phi, Đông Á… Ngành hàng lúa gạo cũng cần quan tâm đúng mức phát triển thị trường trong nước; quản lý thương mại tiểu ngạch với các nước có chung đường biên giới./.
Mục tiêu cụ thể của đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 là: Đạt giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng lúa đạt bình quân 120 triệu đồng; tỷ lệ giống xác nhận chiếm 75%; diện tích đất lúa áp dụng các quy trình canh tác cải tiến là 3,2 triệu ha với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 600 USD/tấn (nhóm gạo trắng, hạt dài) và 800 USD/tấn (nhóm gạo thơm, đặc sản)… |
Nguyễn Tiến Dũng