Phiên chợ nông sản - Cơ hội tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tiêu biểu của các địa phương
Sáng 13/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề, tuần lễ quảng bá các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao năm 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhiều sản phẩm nông sản được giới thiệu đến người tiêu dùng |
Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông đặc sản tiêu biểu của các địa phương.
Đồng thời tạo cầu nối giữa các nhà sản xuất với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, các siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng và xa hơn nữa là vươn tới thị trường quốc tế.
Thúc đẩy bán hàng qua thương mại điện tử
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phiên chợ một cơ hội để cho các doanh nghiệp, các chủ thể OCOP cũng được kết nối với người tiêu dùng và thương mại điện tử là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam hiện nay.
“Trong năm 2023 giá trị thương mại nói chung tăng 7 % nhưng thương mại điện tử tăng đến 21%. 5 tháng đầu năm 2024 tại thị trường trong nước, thương mại điện tử tăng tới 24%. Do vậy, trong phiên chợ, ngoài việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản địa phương thì chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị sẽ giới thiệu và triển khai phiên những phiên livestream trên các nền tảng số”, ông Tiến nói.
Việc mở rộng thị trường qua mạng xã hội cũng giúp tăng cơ hội tiếp cận cho các sản phẩm địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của các địa phương nông thôn.
Hoạt động livestream qua nền tảng thương mại điện tử |
Theo ông Nguyễn Minh Tiến: "Trong năm 2024, xuất khẩu của ngành nông nghiệp có nhiều tín hiệu lạc quan, tăng trưởng tới 21% trong 5 tháng đầu năm. Các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản phát triển tốt”.
Bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh kết nối cung cầu, phát triển thị trường trong nước để góp phần kìm chế lạm phát, giúp người tiêu dùng mua được những sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ.
Mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Tham gia bán hàng tại hội chợ, chị Vũ Như Quỳnh – thành viên Công ty công nghệ Enviva cho biết trước khi tham gia hội chợ, doanh nghiệp chị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các kênh phân phối sản phẩm.
“Mặc dù rất tự tin về chất lượng sản phẩm nhưng khâu tiếp thị chúng tôi còn yếu. Vì vậy, hy vọng sau khi tham gia hội chợ sẽ có nhiều hiệu ứng tích cực không chỉ đối với sản phẩm sầu riêng của bên tôi mà đối với tất cả những cái sản phẩm nông sản khác của người Việt. Đặc biệt, các kỳ hội chợ thường có sự tham gia của các nhà phân phối, đại lý lớn. Chúng tôi sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình đến kênh phân phối hiện đại, dễ tiếp cận người tiêu dùng”, chị Quỳnh thông tin.
Chị Vũ Như Quỳnh –đại diện Công ty công nghệ Enviva |
Bên cạnh đó, công ty đã tổ chức chương trình " Kết nối nông sản – Trạm sầu yêu thương", với mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nông sản sầu riêng tại thị trường nội địa. Chương trình tổ chức với các hình thức như: bán hàng livestream nhằm quảng bá sầu riêng tươi và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng góp phần giúp thị trường nông sản sầu riêng phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa giúp giảm rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ về những lợi ích khi tham gia hội chợ, đại diện công ty cho biết hội chợ này đã góp phần giúp công ty khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm cũng như là dịch vụ và giá cả mang đến cho người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Ly – doanh nghiệp Vĩnh Thịnh bánh chưng bờ đậu Thái Nguyên, cho biết: “Hội chợ đã đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội để quảng bá các sản phẩm vùng miền từ các địa phương đến với tay người tiêu dùng, cho mọi người biết đến các sản phẩm về chất lượng, thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng một cách tốt nhất. Được bày bán các sản phẩm đặc biệt từ Thái Nguyên tại hội chợ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp học hỏi, chiêm ngưỡng những sản phẩm mới từ các miền khác nhau”.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong cả nước có thể trực tiếp giới thiệu sản phẩm, chia sẻ những thông tin quan trọng về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và giải đáp thắc mắc của khách hàng, tạo sự kết nối giữa người bán và người mua.
Theo khảo sát, trong ngày đầu tiên của hội chợ, nhiều loại đặc sản được bày bán như: Nho Hạ Đen (là giống nho nhiệt đới được nhập giống từ Đài Loan - Trung Quốc); sầu riêng, bơ, mãng cầu, mắc ca Đắk Nông; mận Mộc Châu; dưa lưới Tuyên Quang; mận Tam Hoa; xoài Úc Bắc Hà, dứa Bản Lầu (Lào Cai); thanh long ruột đỏ Vĩnh Phúc; hành, tỏi Lý Sơn; nấm ăn Vĩnh Phúc; yến sào đất mũi, cua Năm Căn (Cà Mau)...
Chuỗi Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền 2024 sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm nông sản cho khách hàng vào mỗi dịp cuối tuần. Chương trình này cũng như một ngày hội thu nhỏ, giúp người dân từ già đến trẻ có cơ hội vừa có thể trải nghiệm chất lượng sản phẩm trực tiếp trong một không gian thân thiện, gần gũi vừa có thể lựa chọn phương thức mua sắm trực tuyến với những câu chuyện đặc sắc gắn với từng sản phẩm; về phía các đơn vị sản xuất, sẽ có cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và lắng nghe tiếng nói thị trường.
Phiên chợ còn là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị và theo mùa vụ từng vùng giữa các hợp tác xã, đơn vị sản xuất - kinh doanh của các địa phương với các nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước.