“Nhặt sạn” trong xuất khẩu rau quả, gạo 5 tháng
Xuất khẩu gạo dự báo giữ vững vị thế hàng đầu Cơ hội xuất khẩu gạo Việt rộng mở |
Xuất khẩu gạo, rau quả tăng trưởng cao về giá trị
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%.
Xuất khẩu gạo, rau quả tăng mạnh về giá trị trong 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu rau quả và gạo của Việt Nam ghi nhận những con số ấn tượng về tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Đáng chú ý, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%). Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ khởi sắc nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường lớn như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo còn có cơ hội tăng trưởng khi Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn, có khả năng duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đến tháng 9.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2,65 tỷ USD |
Xu hướng tăng của xuất khẩu gạo một phần nhờ vào sự phục hồi giá gạo trong nước từ đầu năm. Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - dự báo, năm 2024 sản lượng gạo sẽ đạt trên 43 triệu tấn, tương đương năm ngoái, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Cùng với mặt hàng gạo, xuất khẩu rau quả có tỷ lệ tăng trưởng nổi bật 28,1%, thu về 2,59 tỷ USD. Kết quả này có được nhờ nguồn cung dồi dào và nhu cầu tăng từ các thị trường truyền thống và mới nổi.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: “Xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài… đang bước vào vụ thu hoạch chính, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc”.
Sản phẩm được kỳ vọng đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Riêng trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi 432 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam, tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tăng và năng lực cung ứng của Việt Nam được cải thiện.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến là do hàng Việt vào chính vụ. Đồng thời, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thuận lợi hơn khi chi phí logistics rẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được cấp mã vùng trồng gấp đôi so với năm ngoái”.
Còn nhiều thách thức cần giải quyết
Mặc dù có tăng trưởng cao, nhưng xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, đòi hỏi các bên liên quan cần tiếp tục nỗ lực nhằm giải quyết, thúc đẩy xuất khẩu bền vững hơn.
Trong bình diện bức tranh chung của xuất khẩu gạo và rau quả, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định. Sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.
Một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay yêu cầu để hưởng ưu đãi từ các FTA. Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Với mặt hàng gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. “Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, số còn lại họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được. Ví dụ như áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo”, ông Nguyễn Ngọc Nam nói.
Xuất khẩu rau quả có tỷ lệ tăng trưởng nổi bật 28,1%, thu về 2,59 tỷ USD. |
Về phía rau quả, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo ông Nguyễn Thanh Bình: “Chất lượng các sản phẩm rau quả xuất khẩu hiện chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở một số vùng trồng. Điều này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế”.
Ông Bình đề xuất cần quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất đến thu hoạch, đóng gói xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc để kiểm soát tình trạng hàng kém chất lượng lẫn lộn, gây mất uy tín.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá gây rối loạn thị trường cần được siết chặt quản lý. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát, ngăn chặn tình trạng này, nhất là với các sản phẩm chủ lực.
Để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, các bên đều có những giải pháp riêng. Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Anh Sơn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tận dụng hiệu quả các FTA, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường cho biết, Bộ sẽ tập trung triển khai các đề án, chiến lược của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo và rau quả. Đặc biệt là Đề án "1 triệu ha trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" và các giải pháp nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho rau quả.
Đối với rau quả, Bộ sẽ tích cực đàm phán, tháo gỡ các rào cản để mở cửa xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, tiềm năng mới. Đồng thời, phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài xây dựng kênh trao đổi thông tin, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm đã được phép xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ kiểm soát chặt việc gia tăng diện tích, sản lượng với một số loại trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch như sầu riêng. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật để chuẩn hóa quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu của từng thị trường.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn với kỳ vọng đạt giá trị 5 tỷ USD; xuất khẩu rau quả tiến tới đạt mục tiêu kim ngạch trong năm 2024 khoảng 6,5 - 7 tỷ USD. |