Ngành gỗ lao đao, doanh nghiệp gấp rút tìm máy móc tinh gọn sản xuất
Triển vọng ngành gỗ năm 2023 kém khả quan, sẽ phục hồi vào năm 2024? Từ 2025, ngành gỗ và cà phê sẽ chịu tác động bởi quy định mới của EU |
"Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ Quốc tế Bình Dương 2023" sẽ được tổ chức từ ngày 9 - 12.8 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, quy tụ hơn 700 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế, trưng bày giới thiệu sản phẩm, máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến.
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), từ quý I/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành gỗ Việt Nam đang gặp những bất lợi như đơn hàng ít, công nhân giảm giờ làm, chi phí nhân công cao, trình độ công nghệ - kỹ thuật còn thấp. Đồng thời, dòng tiền doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn trong khi các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn.
Ngày 22.6, tại họp báo "Hội chợ máy và nguyên liệu Gỗ Quốc tế Bình Dương 2023" (BIFA Wood Vietnam 2023), đại diện Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng giảm sút. Hội chợ tổ chức lần này là sự cần thiết, gấp rút để các công ty trong và ngoài nước giao thương với nhau".
Tương tự, ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành cũng cho biết, tình hình sản xuất của công ty hiện tại đã có đơn hàng nhưng không còn nhiều như trước.
"Yêu cầu đối với các công ty thời điểm này là phải thay đổi theo hướng tinh gọn hệ thống sản xuất, sản xuất nhanh. Do đó, với hội chợ BIFA Wood, doanh nghiệp có cơ hội tham quan để tìm ra những máy móc thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, giá thành tốt và giao hàng đúng hạn đến các khách hàng” - ông Phương nói.
Các doanh nghiệp ngành gỗ tận dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm giảm chi phí nhân công và tránh lãng phí nguyên liệu. Ảnh: BIFA Wood Vietnam |
BIFA Wood Vietnam 2023 được đánh giá là cơ hội để tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu… Đây cũng là dịp để giới chuyên môn, doanh nghiệp, người tiêu dùng trực tiếp đánh giá, lựa chọn tại chỗ các sản phẩm máy móc thiết bị tiên tiến theo hướng tự động hoá của nhiều nhà sản xuất uy tín đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đánh giá về thị trường ngành gỗ. Ảnh: BIFA Wood Vietnam |
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho rằng, vùng Đông Nam Bộ đang chiếm 3/4 xuất khẩu của cả nước. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai chiếm trọng tâm chính của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để ngành gỗ vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, ông Lập cho rằng, các hiệp hội và doanh nghiệp cần phải liên kết, đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế.
"Đây là sự cứu cánh kịp thời cho ngành gỗ, đem lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở. Xa hơn, là nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới" - ông Đỗ Xuân Lập cho hay.