Ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến, phê duyệt hồ sơ chỉ trong vài phút
Bộ Công an cảnh báo: Mạo danh ngân hàng, công ty tài chính lừa đảo cho vay trực tuyến VietinBank phát triển Mobile Banking và số hóa ngân hàng |
100% quá trình giải ngân được thực hiện qua kênh số
Ra ngân hàng nộp hồ sơ, chờ đợi thẩm định, phê duyệt, giải ngân,… đó chỉ còn là câu chuyện cũ, khi giờ đây các ngân hàng đang phát triển dịch vụ cho vay trực tuyến 100%. Điều này có nghĩa, người vay không cần tới phòng giao dịch, ở bất kỳ đâu cũng có thể hoàn thành hồ sơ khoản vay và tiền giải ngân cũng được gửi về tài khoản.
Đơn cử, gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã triển khai giải ngân trực tuyến cho doanh nghiệp. Đại diện Sacombank cho biết, các doanh nghiệp được cấp hạn mức vay và hoàn tất các thủ tục liên quan đến khoản vay sẽ được giải ngân trực tuyến với quy trình đơn giản, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc yêu cầu giải ngân mà không cần đến trực tiếp điểm giao dịch.
“Dịch vụ này không giới hạn số lần yêu cầu, trong phạm vi hạn mức tín dụng ngân hàng đã cấp cho khách vay. Ngoài ra, Sacombank tích hợp thêm tính năng “Mua ngoại tệ” vào tiện ích này, phù hợp với khách hàng có nhu cầu thanh toán ra nước ngoài từ nguồn tiền giải ngân” - đại diện nhà băng cho hay.
Thông tin dịch vụ giải ngân online của Sacombank. Ảnh: Sacombank |
Được biết, ngân hàng điện tử Sacombank là giải pháp ngân hàng số hiện đại, tiện ích dành cho cá nhân và doanh nghiệp, thường xuyên được cải tiến, cập nhật các tính năng mới để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Hiện có gần 150.000 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ này nhờ tính an toàn, bảo mật và có nhiều tính năng như mở tài khoản, thanh toán trong nước, chuyển tiền quốc tế, phát hành L/C...
Ngân hàng số cũng có đa dạng phương thức xác thực, mô hình phê duyệt từ đơn đến đa cấp phù hợp với quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ (Micro SME) đến nhỏ và vừa (SME). Các hóa đơn, chứng từ giao dịch tại kênh điện tử của Sacombank đều được ký điện tử bằng chữ ký số công cộng. Song song đó, hóa đơn điện tử được cấp thêm định dạng [.xml], giúp doanh nghiệp dễ dàng truyền thông tin với cơ quan thuế.
Tương tự, với thế mạnh về công nghệ và tận dụng tối đa dữ liệu thuế và hóa đơn, Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng số hóa toàn bộ quá trình cấp tín dụng. Đã có hơn 5.000 doanh nghiệp và 52.000 tỷ đồng dư nợ đã được MSB cho vay qua kênh số, với thời gian xét duyệt chỉ vài phút.
Bà Đinh Thị Tố Uyên - Phó Tổng giám đốc MSB - cho biết: “Với khả năng học của các máy học và giữ liệu đã đưa được ra giải pháp là có thể phê duyệt hồ sơ tín dụng ngay trong 4 phút. Khi kết hợp các giải pháp với công ty Fintech như Misa chẳng hạn, hệ thống kế toán thu chi của doanh nghiệp ở trên đó, cộng với việc kết nối với dữ liệu thuế, chúng tôi có thể cập nhật được tức thời những thông tin về tình trạng của doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi có thể đưa ra giải pháp cho vay tức thì cho khách hàng ngay khi khách hàng đăng ký và cung cấp những thông tin cơ bản”.
Với cá nhân, cũng có nhiều hình thức như cho vay trực tuyến qua bảng lương. Và hiện còn được cá nhân hóa để nâng cao trải nghiệm. Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người trẻ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa nâng cấp ngân hàng số thế hệ mới, cho phép vay trực tuyến chỉ từ 100 nghìn đồng.
“Có thể thực hiện 100% vay qua kênh số, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng, có thẻ tín dụng với những hạn mức từ nhỏ đến lớn, 100% việc phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà có thể có ngay hạn mức tín dụng” - ông Nguyễn Đình Tùng - Thành viên HĐQT OCB thông tin.
Không chỉ cho vay trực tuyến, nhiều dịch vụ ngân hàng số được các ngân hàng triển khai |
Phấn đấu 50% khoản vay được thực hiện trên môi trường số
Chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 hồi cuối tháng 10/2024, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện ngành ngân hàng muốn thúc đẩy cho vay trên môi trường số. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), khuôn khổ pháp lý hiện đã chặt chẽ hơn, Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định cho vay trên kênh ngân hàng số. Hiện nay, TPBank có danh mục hơn 6.000 tỷ cho vay trên kênh số hoàn toàn, với trên 3 triệu khách hàng được vay. TPBank kết hợp với một số ví điện tử để cho vay các món nhỏ và ngân hàng đã ứng dựng công nghệ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, sử dụng thông tin đa chiều từ đối tác và ngân hàng để đưa ra đánh giá và chấm điểm đối với khách hàng, sau vài phút đã có kết quả và giải ngân.
“Điều này gắn với thực tế nhu cầu người dùng và tạo được thói quen là mua hàng trước, trả tiền sau. Đây là tương lai và thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Trong khi đó, nếu tiếp cận theo cách vay truyền thống rất mất thời gian về hồ sơ, thủ tục kéo dài” - ông Hưng nói.
Dù đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% khoản vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường số, tuy nhiên ông Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện tại chưa đến 20 tổ chức tín dụng làm được điều này. Do đó, đây sẽ là nhiệm vụ quyết liệt trong thời gian tới của ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán cho hay, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát đánh giá để đôn đốc các mục tiêu trong Quyết định 810 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. “Mặc dù năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện một khối lượng rất lớn văn bản pháp luật hướng dẫn tổ chức tín dụng nhưng công việc tiếp theo vẫn còn rất nhiều để hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai các ứng dụng nhằm thực hiện Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước về triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Ngoài ra, ngành ngân hàng sẽ không ngừng nâng cao năng lực an ninh an toàn trong hệ thống. Và thúc đẩy công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dùng về lừa đảo, gian lận, thúc đẩy sử dụng sản phẩm số an toàn bảo mật.