Trái phiếu doanh nghiệp đối mặt áp lực đáo hạn tăng
Trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng đẩy mạnh trở lại Ngân hàng là động lực chính của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng 15-20% trong năm 2025 |
Không có đợt phát hành nào của nhóm bất động sản quý I/2025
FiinGroup vừa công bố Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025, cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước, đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp.
![]() |
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng. Ảnh minh hoạ |
Điểm sáng trong tháng là hoạt động phát hành mới bắt đầu sôi động trở lại, với khối lượng phát hành đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tháng 2 hoàn toàn không có đợt phát hành nào.
Tuy vậy, áp lực đến từ lượng trái phiếu đáo hạn tăng vọt trong tháng 3, gấp đôi tổng giá trị đáo hạn của hai tháng đầu năm cộng lại. Đồng thời, giá trị trái phiếu được mua lại cũng ghi nhận mức tăng mạnh 109%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2,7%.
Về cơ cấu theo nhóm ngành, không có nhiều biến động so với tháng trước. Hai lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế, đóng góp gần 74% tổng giá trị thị trường, tăng nhẹ so với mức 70% của cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo loại hình phát hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 87,9% tổng giá trị đang lưu hành, tương đương gần 1.101 nghìn tỷ đồng – giảm 1,6% so với cuối tháng 2.
Ngược lại, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm 12,1% (khoảng 151,8 nghìn tỷ đồng), nhưng tăng trưởng mạnh mẽ 10,4% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ. Động lực chính đến từ sự sôi động trong hoạt động phát hành công chúng quý I/2025, khi 10/12 đợt phát hành được thực hiện theo hình thức này.
Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 15/4 trên hệ thống FiinGroup, kể từ đầu năm 2025, các tổ chức phát hành đã chi trả tổng cộng 36,8 nghìn tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp. Riêng trong tháng 3, số tiền đáo hạn được thanh toán đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.
Dòng tiền phải trả từ trái phiếu (bao gồm gốc và lãi) tiếp tục dồn dập trong các tháng tới, với ước tính khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, hơn 17,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 và lên đến 49,8 nghìn tỷ đồng trong quý II/2025.
Ở nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, áp lực thanh toán nợ gốc trái phiếu tăng rõ rệt trong tháng 5/2025, với tổng giá trị đến hạn ước khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng – gấp đôi so với tháng 4 (5,3 nghìn tỷ đồng), tuy giảm nhẹ so với tháng 3 (13 nghìn tỷ đồng).
Riêng lĩnh vực bất động sản dự kiến có khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, chiếm 31% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường tháng này, đồng thời tăng 20,3% so với ước tính của tháng 4.
Tổng giá trị nợ gốc trái phiếu đến hạn thanh toán của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng trong quý 2/2025 được dự báo đạt khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với quý 1. Áp lực đáo hạn dự kiến sẽ đạt đỉnh vào quý 3 năm nay – giai đoạn được đánh giá là cao điểm trong chu kỳ trả nợ trái phiếu.
Giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%
Dự báo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025, FiinGroup dự báo giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%. Nguyên nhân do trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn sẽ phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời duy trì lãi suất huy động ổn định.
Điều này sẽ đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, như tỷ lệ LDR (tổng dư nợ cho vay/tiền gửi) và việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phiếu, tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2025. Những thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp.
Nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn sẽ gia tăng, đặc biệt từ các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu trong các quý tới. Các ngân hàng tiếp tục là những người mua chính trái phiếu doanh nghiệp, và với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, sẽ thúc đẩy các ngân hàng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng giá trị lãi trái phiếu đến hạn thanh toán trong quý 2/2025 của nhóm phi ngân hàng dự kiến ở mức 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với mức 13,5 nghìn tỷ đồng của quý trước và tập trung chủ yếu trong tháng 6 (khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng). Áp lực trả lãi tiếp tục leo thang trong quý 3/2025, với giá trị dự kiến lên đến 17,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng lớn bao gồm: bất động sản, du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu. |
Tin khác

Nhận định chứng khoán 22/4: Nhịp hồi phục quay lại

Cho vay chứng khoán quý I tăng mạnh, lập kỷ lục mới

Nhận định chứng khoán 21/4: Cân nhắc giải ngân từng phần

Thị trường tìm điểm cân bằng, chuẩn bị đón sóng mới

Nhận định chứng khoán 18/4: Cân nhắc giải ngân

Nhận định chứng khoán 17/4: Tập trung nhóm ngành hồi phục mạnh

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 4/2025?

Nhận định chứng khoán 16/4: Cân nhắc giải ngân thăm dò

Nhận định chứng khoán 15/4: Tiếp tục nắm giữ các mã đang duy trì đà tăng mạnh

Nhóm ngành nào có thanh khoản tăng nổi bật trong tháng 3/2025?
Đọc nhiều

Từ đường dây nóng, lật tẩy hàng trăm vụ vi phạm

Nhận định chứng khoán 21/4: Cân nhắc giải ngân từng phần

Nhận định chứng khoán 18/4: Cân nhắc giải ngân

Quý 1/2025 xuất khẩu rau quả sụt giảm

Nhận định chứng khoán 16/4: Cân nhắc giải ngân thăm dò

Nhận định chứng khoán 22/4: Nhịp hồi phục quay lại

Nở rộ trào lưu 'cà phê yêu nước' dịp 30/4

Cao tốc Bắc - Nam, đòn bẩy để kinh tế Hà Tĩnh bứt phá

'Thót tim' cảnh ô tô lao ngược chiều cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
