Mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: Nhận diện đúng thời cơ và thách thức
Cơ hội xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc Thị trường Trung Quốc triển vọng đi đôi với cạnh tranh Thị trường Trung Quốc mở cửa: Gia tăng áp lực cạnh tranh với hàng hóa Việt |
Theo ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương: 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. So với 2 tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 01/2023 giảm 24,33%, tháng 02/2023 giảm 18,72%). Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định.
Do thuận lợi về vị trí địa lý, có hiệp định thương mại song phương và đa phương, hàng Việt được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng… là yếu tố thuận cho mở rộng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Tuy nhiên, như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023: Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
“Chúng ta cần nhận diện trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc thì mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại”-Bộ trưởng nhận định.
Từ thực tế thị trường nước sở tại, ông Lương Văn Tài – Tuỳ viên thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) – thông tin, trong tháng 4/2023, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”. Trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Đối với xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây, một số doanh nghiệp của Việt Nam chưa kịp đăng ký gia hạn, khiến hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn.
“Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý kiểm soát các đợt dịch và Việt Nam cũng đã ghi nhận có ca nhiễm đậu mùa khỉ. Do đó, các hiệp hội cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và đẩy mạnh làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các doanh nghiệp ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây”- ông Lương Văn Tài lưu ý.
Nông sản- Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc |
Trước những thách thức đã được chỉ ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên- đề nghị, các Chi nhánh thương vụ hoặc Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc; thông tin về những thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong hợp tác thương mại, đầu tư; có đề xuất về phản ứng chính sách cần có đối với doanh nghiệp, Chính phủ để khai thác tiềm năng lợi thế nhưng vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đối với các địa phương và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, theo Bộ trưởng cần nhận định đánh giá; có kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Bộ ngành và cấp có thẩm quyền về những chính sách cần có trong lúc này để khắc phục bằng được khó khăn, vướng mắc và thực hiện mục tiêu mà Đảng, nhà nước đặt ra, cũng như chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, đề xuất: Để tránh tình trạng ách tắc, gây ảnh hưởng không tích cực tới chất lượng hàng hoá, nhất là nông sản, các Bộ ngành cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm thông quan tại cửa khẩu nhằm giải quyết nhanh các phát sinh trong vấn đề thông quan giữa hai bên. Liên thông trong công tác thủ tục hành chính giữa hải quan hai nước, từ đó rút ngắn thời gian thông quan, đẩy nhanh dòng lưu chuyển hàng hoá.
Đại diện cho địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Đại – Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, mong muốn: Vụ thu hoạch trái cây tươi sẽ diễn ra vào tháng 6, tháng 7, địa phương mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu qua tỉnh Lạng Sơn và hỗ trợ để có biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của Thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn; kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật; xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các ngành hàng có lợi thế; quan tâm và nâng cao hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.