Mở rộng cơ hội xuất khẩu nhiều nhóm hàng thế mạnh sang Israel
Đón cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Mexico Nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ |
Nông, thủy sản tiếp tục là thế mạnh
Theo Bộ Công Thương, hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Israel đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.
Dù quy mô dân số chỉ xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD.
Ngày 2/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel đã ra Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại FTA Việt Nam – Israel, sau nỗ lực của 2 đoàn đàm phán Việt Nam và Israel trong suốt 7 năm với 12 phiên. Với việc chính thức kết thúc đàm phán, hai nước tiếp theo sẽ sớm xúc tiến các công tác nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định FTA Việt Nam - Israel dự kiến ngay trong năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VCAC) - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết, đây là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi sau khi kết thúc đàm phán và Hiệp định được ký kết thì sẽ mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp hai nước.
Đáng chú ý, cơ hội mở ra cho nông sản Việt Nam không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết trong năm nay còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như: Bangladesh, Pakistan; đồng thời, là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, các mặt hàng nông sản có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel và Trung Đông, đầu tiên phải là mặt hàng gia vị. Bởi, các thị trường này tiêu thụ lượng mặt hàng gia vị mỗi năm rất lớn. Quan trọng hơn nữa là trước đây chúng ta cũng đã xuất khẩu các mặt hàng gia vị như quế, hồi, hạt tiêu… sang thị trường Trung Đông rất nhiều, nhưng do chưa đàm phán được FTA nên chịu thuế xuất cao. Việc FTA được ký kết sẽ mang lại lợi ích cả về thuế quan lẫn vấn đề thông thương dễ dàng trong dòng chảy hàng hóa.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành dệt may rất khó khăn. Đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%. Các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Israel có ý nghĩa đặc biệt, giúp doanh nghiệp dệt may có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị.
Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, dù tiềm năng nhưng khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Israel không hề nhỏ. Thị trường có quy mô nhỏ, thông tin 2 chiều chưa sâu rộng, do đó, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Israel cần cung cấp kịp thời thông tin về thị trường, các chính sách thương mại và sớm phổ biến thông tin về hiệp định để doanh nghiệp nghiên cứu có định hướng tiếp cận.
Cơ hội xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao
Ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn nhưng nhu cầu nhập khẩu nước này khá lớn, vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm.
Theo ông Lê Thái Hòa, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng, kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng để đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay. Đây chính là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường Israel.
Đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt. Để tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa từ bên ngoài và tính cạnh tranh trên thị trường, Israel đã thực hiện một số cải cách nhập khẩu và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận ở những nước phát triển.
Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel; cụ thể là chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.