EVN: Điều chỉnh phụ tải, đảm bảo cung ứng điện
Nguy cơ thiếu hụt nguồn điện
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban kinh doanh Tập đoàn EVN - cho biết: Những năm qua, toàn đơn vị đã nỗ lực đầu tư cả nguồn và lưới điện, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, EVN đã hoàn thành 12 dự án nguồn điện (6.100MW) được Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2019, dự kiến hoàn thành 4 dự án (1.560MW). Đối với các dự án nguồn điện hoàn thành sau năm 2020, EVN và các đơn vị đang tập trung hoàn thiện các bước trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án như: Nhiệt điện Quảng Trạch Iⅈ thuỷ điện Hoà Bình mở rộng; thuỷ điện Ialy mở rộng; nhiệt điện Ô Môn III&IV…
EVN đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện |
Về lưới điện, trong giai đoạn 2016-2018, EVN đã hoàn thành 117 công trình lưới điện 220-500kV. Hiện đang triển khai cụm dự án đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 với mục tiêu hoàn thành đóng điện qúy II/2020 để tăng cường cấp điện miền Nam. Ngoài ra, EVN đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới phục vụ truyền tải các dự án nguồn điện, đặc biệt các dự án điện mặt trời mới được bổ sung quy hoạch để tăng cường nguồn cấp điện quốc gia.
Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song công tác cung cấp điện vẫn đang gặp phải khó khăn, thách thức. Trong khi nguồn cầu điện tăng cao trên 10%/năm nhưng nguồn cung lại hạn chế.
Cụ thể, nguồn than, khí trong nước đang cạn kiệt, không ổn định, nhiên liệu nhập khẩu gặp khó khăn, giá cao; thời tiết diễn biến bất thường dẫn tới các hồ thủy điện bị thiếu nước... Hiện sản lượng điện sản xuất của EVN chiếm tỷ trọng ~ 45,5% trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống và có xu hướng giảm dần. Vì vậy, vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện do các chủ thể khác ngoài EVN.
Tuy nhiên, ngay cả đối với các dự án điện của EVN đang gặp khó khăn vì một số quy định hiện hành về đầu tư xây dựng còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo, gây khó khăn nhất định và dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài; Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án điện ngày càng khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, công tác thu xếp vốn của EVN rất khó khăn do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn; các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với EVN và các đơn vị liên quan; các nguồn vốn ODA (vốn vay ưu đãi nước ngoài) rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết và việc sử dụng nguồn vốn dư của các khoản vay ODA không được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.
Các dự án nguồn điện của các chủ đầu tư ngoài EVN (của Tập đoàn Dầu khí, Than – Khoáng sản, các nhà đầu tư BOT…) đều chậm từ 3-5 năm, không đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo ước tính cả giai đoạn 15 năm (2016-2030), tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành khoảng 78.300MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên 17.500MW, trong đó chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022 (~17.800MW). Dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ có dự phòng về nguồn điện 20-30% các năm 2015-2016, đến năm 2018-2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.
Tăng cường quản lý nhu cầu
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải quản lý nguồn cầu điện hơn là chạy theo nguồn cung, vì trên thực tế, cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam thuộc nước cao nhất trong khu vực và thế giới. Thống kê của EVN cho thấy, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao, bình quân 12% (2003-2018) và dự báo sẽ tiếp tục tăng hơn 10% (2015-2020), riêng 4 tháng đầu năm 2019, nhu cầu sử dụng điện tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, hệ số đàn hồi điện (tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP/tăng trưởng nhu cầu điện) ở Việt Nam vẫn còn cao (ví dụ: Để làm ra một đơn vị GDP ta phải tiêu tốn từ 1,6-1,8 đơn vị điện, con số này cao hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như ở khu vực (để tạo ra được 1 đơn vị GDP họ chỉ cần 1 và dưới 1 đơn vị điện).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN), xây dựng vì các nguyên nhân như giá điện đối với nhóm khách hàng này đang được ưu tiên, khuyến khích phát triển; công nghệ, dây chuyền sản xuất còn lạc hậu, hiệu suất thấp; nhiều chủ các doanh nghiệp (DN) SXCN chưa quan tâm tới vấn đề tiết kiệm năng lượng (TKNL), tiết kiệm điện; nhiều giải pháp TKNL đòi hỏi mức đầu tư cao; các định chế tài chính, ngân hàng chưa sẵn sàng để hỗ trợ cho DN vay đầu tư, áp dụng các giải pháp TKNL.
Trên thực tế, thời gian qua EVN đã thực hiện giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải thông qua thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý phía nhu cầu, đặc biệt là chương trình DR.
Cho đến nay, các tổng công ty điện lực đã ráo riết triển khai các chương trình DR phi thương mại, nhằm thông tin tới tận DN. Các đơn vị cũng đã ký kết được hàng nghìn thoả thuận với DN để thực hiện chương trình điều chỉnh.
Tuy nhiên, để chương trình DSM/DR có hiệu quả, EVN đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng tham gia chương trình; có các chế tài cụ thể đối với các DN không chấp hành; các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình DSM/DR đối với các DN trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, DN về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Các DN SXCN, đặc biệt là các đơn vị thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước, thường xuyên kiểm toán năng lượng, thành lập Ban chỉ đạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng mục tiêu TKNL hàng năm và giao chỉ tiêu cho các bộ phận trong DN; phát triển điện mặt trời áp mái nối lưới.