Đưa khách du lịch quốc tế tăng tốc trở lại bằng cách nào?
Yêu cầu cấp bách
Theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Trong khi du lịch nội địa vượt chỉ tiêu thì khách quốc tế còn rất hạn chế, chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh, và khoảng 15% so với kế hoạch đã đặt ra trong năm 2022. Kết quả này còn quá xa để đến đích. Trong khi đó, phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách của hàng triệu nhân sự, hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Dù đã mở cửa hoàn toàn nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn thấp |
Nguyên nhân cơ bản khiến khiến thị trường du lịch quốc tế chưa thể tăng tốc trở lại được Tổng cục Du lịch nhận định định: Do xung đột Nga – Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng lớn thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước cũng khác nhau, hầu hết những thị trường khu vực Đông Bắc Á vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. Trong khi ở Việt Nam hiện chưa phải là mùa du lịch quốc tế. Thông thường, mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Hơn nữa, nguồn khách quốc tế đến từ các thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… có đặc thù nên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài. Việt Nam mới mở cửa nên du khách sẽ cần thời gian theo dõi.
Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, hiện thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách du lịch quốc tế gặp khó khăn do thời gian chờ đợi quá lâu, du khách không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam giảm hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Cần đổi mới sản phẩm; tăng cường kết nối
Trước thực tế này, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, làm mới sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để tăng khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch…
Ngoài ra, để du lịch quốc tế bức phá, cần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, du lịch “không chạm”, giảm thiểu tiếp xúc khi di chuyển, nghỉ dưỡng và trải nghiệm - xu hướng du lịch trong bối cảnh mới.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch - cho rằng: Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách thông qua việc nghiên cứu, đề xuất xem xét việc cấp, miễn thị thực đơn phương cho du khách một số nước ở thị trường tiềm năng; nghiên cứu mở đường bay thẳng đến các điểm đến an toàn, quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh và thị trường có khả năng chi trả cao, nhằm thu hút du khách đền từ các quốc gia này; quan tâm hơn thị trường ngách thay vì thị trường truyền thống hiện chịu sự cạnh trạnh gay gắt giữa các nước trong khu vực...
Trước tình trạng thu hút lượng khách quốc tế còn khiêm tốn nhiều địa phương đã ban hành các chủ trương chính sách, chương trình phục hồi phát triển du lịch, tập trung liên kết và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh thông tin quảng bá xúc tiến du lịch, khởi động lại hoạt động hợp tác phát triển du lịch; triển khai nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế. Trong đó, liên kết và hợp tác là giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam để cùng phục hồi và phát triển.
Song giới chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch đều có chung quan điểm: Để giải quyết những vấn đề nêu trên cần gia tăng thời hạn visa cho khách quốc tế thay vì 15 ngày như hiện nay, tăng cường liên kết giữa các địa phương và đơn vị cung ứng dịch vụ… nhằm làm mới điểm đến; thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; tối đa hóa yếu tố an toàn trong du lịch, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong giai đoạn mới.
Phía địa phương, cần xây dựng sản phẩm gắn du lịch với văn hóa, thể thao… để thu hút khách quốc tế hơn nữa; tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh nổi trội của từng doanh nghiệp, địa phương…
Một số chuyên gia du lịch quốc tế khuyến cáo, Việt Nam sớm có trao đổi với mạng lưới cơ quan ngoại giao để sớm mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu… |