Trải nghiệm xe đạp công cộng ở Hà Nội: Cần lưu ý gì?
Khi sử dụng xe đạp công cộng ở Hà Nội cần chú ý gì?
Với loại hình phương tiện này, người dân có thể lựa chọn xe đạp cơ (xe đạp truyền thống) hoặc xe đạp điện. Một điều quan trọng là bạn cần trang bị, mang theo chiếc điện thoại thông minh, có 3G hoặc 4G.
Một trong các trạm xe đạp tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Đầu tiên, người sử dụng cần tải, cài đặt app TNGo trên app (ứng dụng) Google Play hoặc Store về chiếc điện thoại thông minh của mình. Sau đó đăng ký tài khoản (nếu lần đầu sử dụng) hoặc đăng nhập (nếu đã từng sử dụng).
Tiếp theo, người dùng cần nạp tiền để có thể sử dụng dịch vụ (số tiền nạp vào cần lớn hơn 10.000 đồng) và tiền sau khi nạp vào ứng dụng không thể rút ra.
Để mở khóa xe, người dùng cần quét mã QR ngay tại khóa xe. Nếu bạn nghe thấy tiếng “tách” nghĩa là khóa xe đã mở và có thể sử dụng.
Nếu bạn muốn ghé đâu đó một lúc thì hãy khóa xe tạm thời để không phải lo lắng người khác sẽ lấy mất chiếc xe của mình. Sau đó, chỉ việc mở khóa thông qua ứng dụng là bạn có thể sử dụng như ban đầu.
Khi không sử dụng nữa, bạn cần khóa xe một cách thủ công (khóa bằng tay) và xác nhận kết thúc chuyến đi trên ứng dụng.
Khi trả xe, bạn hãy để xe ở trạm thật gọn gàng. Với 5.000 đồng là bạn có thể sử dụng xe trong vòng 30 phút. Sau 30 phút, giá cước phí sẽ là 1.000 đồng/ 6 phút tiếp theo. Ngoài ra, có vé nhóm để phù hợp nhóm đông người. bạn chỉ cần một tài khoản để thuê nhiều xe.
Với vé ngày, cước phí là 50.000 đồng cho tổng 450 phút (tương đương 7,5 giờ) sử dụng trong ngày. Người dùng có thể thuê và trả xe không giới hạn số lần trong ngày. Nếu sử dụng quá thời gian thì sẽ áp dụng tính cước phí như vé lượt.
Thậm chí, người dùng có thể đăng ký vé tháng để tiết kiệm nhiều chi phí và phù hợp mục đích đi lại hàng ngày. Với mức phí này, người dân có thể di chuyển 4 chuyến/ngày với tổng thời lượng sử dụng không vượt quá 120 phút/ngày.
Mục đích của việc đưa xe đạp công cộng vào sử dụng
Mục đích của việc phát triển loại hình phương tiện này để người dân có thêm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn khi sử dụng phương tiên giao thông công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và là cách trải nghiệm du lịch kiểu mới của thành phố.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã chia sẻ rằng, việc phát triển loại hình xe đạp công cộng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện hơn.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có 78 trạm cho thuê xe đạp công cộng được phân bố ở các quận Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng – nơi tập trung các trường học, trung tâm thương mại, gần các điểm dừng xe buýt, các tuyến đường sắt trên cao.