Du lịch nội địa lo “ế khách” dịp lễ 30/4 - 1/5
Tăng trần giá vé máy bay nội địa từ 1/3/2024 Vé máy bay tăng nóng trước thềm nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo gì? Du lịch ra sao khi tăng giá vé máy bay? |
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, giá vé máy bay nội địa đang ở mức cao và có xu hướng tăng từng ngày so với thời điểm một tháng trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Trong đó, giá vé nội địa tăng cao tại các chặng có nhu cầu đi lại nhiều về du lịch như: Hà Nội - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc; TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc…
Khảo sát nhanh giá vé ngày 9/4 cho thấy, trên chặng bay Hà Nội – Phú Quốc (khởi hành ngày 27/4 về ngày 1/5) Vietnam Airlines không còn vé hạng phổ thông linh hoạt, giá vé hạng thương gia lên tới 26 triệu đồng khứ hồi/khách. Tuy nhiên, số chỗ cũng không còn nhiều.
Giá vé khứ hồi chặng bay Hà Nội – Phú Quốc (khởi hành ngày 27/4 về ngày 1/5) của hãng Vietjet Air ngày 9/4/2023 Ảnh: Chụp màn hình |
Cùng chặng này, Vietjet Air có mức giá giao động từ 6,3 - 10 triệu đồng khứ hồi/khách, hạng ghế thương gia hết chỗ. Còn vé máy bay của hãng Bamboo Airways đã cháy. Website của các hãng khác tại nhiều khung giờ chỉ trống vài chỗ.
Chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng (chiều đi ngày 27/4, chiều về ngày 1/5) cũng trở nên đắt đỏ, giá vé máy bay khứ hồi của Vietnam Airlines có mức giá rẻ nhất từ 4,9 triệu đồng/khách. Bamboo từ khoảng 4,7 triệu đồng/khách và Vietjet Air từ khoảng 4,6 triệu đồng/khách.
Bên cạnh đó, chặng bay đông đúc và tuần suất khai thác chuyến bay nhiều nhất là Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cũng có giá rất cao. Vietjet Air bán giá khứ hồi chặng này từ 3,2 triệu đồng, Vietnam Airlines 3,4 triệu đồng… Đây là mức giá được lựa chọn ở mục thấp nhất, giá vé thay đổi theo khung giờ và thời điểm khách đặt chỗ. Nếu chọn giờ bay “đẹp”, giá vé sẽ cao hơn.
Giá vé máy bay tăng mạnh vào dịp lễ 30/4 - 1/5 khiến nhiều du khách đã đổi kế hoạch du lịch Ảnh: VA |
Theo các đại lý vé nhận xét, do lượng lớn máy bay các hãng đều giảm để kiểm tra động cơ, một số hãng không còn máy bay khai thác nên giá vé dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Đồng thời, trần giá vé máy bay nội địa cũng tăng khoảng 3,75%, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông vận tải.
Lý giải thêm về tình trạng này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, do chi phí đầu vào như nhiên liệu, vật tư, cùng nhiều yếu tố khác tăng rất cao. Cụ thể, giá nhiên liệu đầu vào neo ở mức cao trên 100 USD/thùng, tỷ giá biến động bất lợi tiếp tục gây ra các khó khăn. Lãi suất đồng USD cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tài chính và gián tiếp đến chi phí thuê tàu bay. Tất cả những vấn đề này đặt ra áp lực lớn đối với các hãng hàng không trong việc kiểm soát chi phí và duy trì lợi nhuận.
Du lịch nội địa đối diện nguy cơ “ế khách”
Việc tăng giá vé máy bay này đang tác động đến xu hướng chọn địa điểm đến của du khách, nhất là khi so sánh giá. Chị Phạm Thanh Vân (35 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Sau khi nghe thông tin có thể được nghỉ lễ tới 5 ngày, gia đình tôi lên kế hoạch du lịch Nha Trang nhưng xem giá vé máy bay thì quyết định… suy nghĩ lại. Dịp lễ giá vé du lịch nội địa còn cao hơn các chặng bay nước ngoài, vì vậy tôi quyết định chọn đi du lịch Thái Lan thay vì đến các thành phố biển trong nước như mọi năm”.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Công ty Du lịch Best Price phân tích, vé máy bay tăng quá cao đang ảnh hưởng lớn đến cả du lịch nội địa. Theo tính toán, giá vé máy bay đang chiếm tỷ trọng từ 40 - 60% tổng chi phí du lịch. Trong khi đó lợi nhuận trung bình trên giá bán của tour trọn gói chỉ khoảng 8 - 10%. Nếu giữ giá bán như hiện nay, đơn vị lữ hành sẽ giảm từ 30 - 40% lợi nhuận.
Nhiều cơ sở lưu trú đối diện với nguy cơ ế khách dịp lễ 30/4 - 1/5 Ảnh: VA |
“Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp lữ hành lo ngại, không dám đặt trước vé máy bay số lượng lớn. Đồng thời, các tour dịp lễ, dịp hè đang được bán ra nhưng không kèm vé máy bay” - Ông Trần Thanh Vũ, CEO Công ty Vinagroup Travel cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương ở thời điểm hiện tại, một số cơ sở lưu trú tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang,... tỷ lệ khách đặt phòng chỉ đạt từ 30 - 40%. Công suất buồng phòng thấp hơn cùng kỳ các năm trước.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour nhận định: “Đây là điều hiếm gặp bởi 30/4 - 1/5 vốn được coi là đỉnh điểm của du lịch nội địa. Thông thường vào dịp này, đa số khách sạn, resort sẽ tăng giá từ 20% đến 40% và hầu như cháy phòng. Tuy nhiên, hiện các cơ sở lưu trú vẫn còn nhiều phòng trống, khiến họ phải chạy khuyến mại nhằm thu hút và mang tính cạnh tranh”.
Để tránh tình trạng vắng khách, các cơ sở lưu trú chú trọng nâng cao chất lượng, dịch vụ |
Để kích cầu du khách, thay vì tăng giá phòng như thường lệ, nhiều khách sạn ở các điểm du lịch lớn phải khuyến mại các dịch vụ như: Không phụ thu; giảm 30% giá phòng nếu khách thanh toán, đặt phòng trước; giảm 20% các hoạt động dưới nước; miễn phí trả phòng muộn; miễn phí đưa đón sân bay…
“Chúng tôi kỳ vọng du khách sẽ đặt phòng nghỉ lễ ở Phú Quốc vào giờ cuối đông hơn, đơn vị cũng áp dụng các gói combo giảm giá phòng cho du khách đặt phòng nghỉ dưỡng trong dịp lễ” - Đại diện Sunset Beach Phu Quoc bày tỏ.
Trước cơn sốt vé và giá tăng cao vì ngành hàng không thiếu hụt máy bay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính Phủ khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại. Qua đó nhằm hạn chế ảnh hưởng lên giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước.