Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 dần sát hơn, hé thêm cửa cho trái phiếu
Sửa quy định để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp Sửa đổi Nghị định 65: Hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển |
Hai điểm mới thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 là thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán (tối đa 2 năm) và cho phép hoán đổi trái phiếu lấy tài sản hay hoán đổi thành khoản vay. Quy định mới trong dự thảo dự báo sẽ góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về thanh khoản của nền kinh tế.
Kể từ đầu năm 2023, chỉ có một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công trị giá 110 tỉ đồng của CTCP Đầu tư Phan Vũ. Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 1.2023 chỉ tương đương 2,1% so với tháng trước đó và 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm lớn về quy mô phát hành này diễn ra trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và cầu.
Trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỉ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ. |
Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc xếp hạng tín nhiệm tại FiinRatings - đánh giá: "Trong vòng 12 tháng tới thị trường vẫn sẽ trầm lắng, chậm và sâu. Theo quan sát trong những năm gần đây, nhà đầu tư tìm đến sản phẩm này vì sự chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và tiền gửi. Tuy nhiên niềm tin của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm vừa qua. Chính vì điều đó, nên nếu hiện nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị cao thì sẽ rất khó tiếp cận đến nhà đầu tư".
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu ảm đạm, Nghị định 65 được giới đầu tư đặc biệt kỳ vọng. Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định tại Nghị định số 65. Cụ thể gồm quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu.
Điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính đề xuất cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm. Đồng thời bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có kỳ hạn trái phiếu) có nhà đầu tư không chấp nhận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.
Cơ quan soạn thảo, quản lý thị trường tài chính nhìn nhận việc cho phép gia hạn này về tổng thể sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023 - 2024. Đối với trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 - 2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ.
Ông Huỳnh Hoàng Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích đầu tư tại FIDT - nhận thấy các kiến nghị thay đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 65 hiện hành, đặc biệt nội dung về việc thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán (tối đa 2 năm) và cho phép hoán đổi trái phiếu lấy tài sản hay hoán đổi thành khoản vay rất đáng chú ý. Qua đây sẽ mở ra điều kiện cho tổ chức phát hành thương lượng với trái chủ. Điều này sẽ tác động tốt nhất tới trái chủ, đặc biệt là tổ chức hoặc đại diện chủ sở hữu khi thương lượng theo hướng có lợi cho đôi bên.
"Các đề xuất này sát với tình hình thị trường hiện tại cũng như động thái, chủ trương tái cấu trúc mà nhiều chủ đầu tư bất động sản, nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn đang hướng đến. Từ đó lên kế hoạch hoán đổi trái phiếu lấy tài sản, đàm phán gia hạn thêm thời gian đáo hạn nhằm giảm áp lực thanh toán, cởi dần nút thắt nguồn vốn" - ông Phương cho biết.