Doanh nghiệp tìm cách lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu
Doanh nghiệp tìm cơ hội tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 Để công nghiệp chế biến giữ vững vị thế động lực tăng trưởng xuất khẩu? |
Trước tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm mạnh bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trong năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có giải pháp chủ động khắc phục tình trạng xuất khẩu khó khăn như hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu ít nhất bằng năm 2022.
Doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Hải Nguyễn |
Thị trường chưa hết biến động
Theo ông Nguyễn Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt kim Đông Xuân (Doximex), đơn vị này đã có những đơn hàng bảo đảm việc làm cho người lao động đến hết quý I/2023, là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp đóng góp vào chiến lược trọn gói về dệt may thời trang xanh cho khách hàng.
Trong thời gian tới, Doximex cũng sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Trước đó, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - định hướng, việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp có bước đi chủ động, không bị hoang mang trước những bất ổn thị trường, đồng thời sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp nhằm tăng tốc xuất khẩu ngay từ những tháng đầu năm.
Doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp từng giai đoạn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây thông báo trong tháng 3.2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, đã giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định xu hướng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023, Vasep cho rằng, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia; xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường, có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau dịch COVID-19.
Doanh nghiệp tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Hải Nguyễn |
Tập trung mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 của Việt Nam ước đạt 154,27 tỉ USD, đã giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu giảm 11,9%, nhập khẩu giảm 14,7%).
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 3.2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên đánh giá, bước vào năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới, một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động tiêu cực. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại đã khiến sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã lưu ý các cơ quan thương vụ cần đánh giá tình hình, nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu khó khăn như hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu ít nhất bằng năm 2022.
Từ đó, tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thương mại thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước, phấn đấu tăng trưởng 8-12% kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt ngưỡng khoảng 800 tỉ USD.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tình hình quốc tế thời gian tới dự báo còn diễn biến phức tạp. Nhiều nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài ra, một số quốc gia này còn dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu.
Đáng lưu ý, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới.