Để công nghiệp chế biến giữ vững vị thế động lực tăng trưởng xuất khẩu?
Đặt mục tiêu tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90% Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến giảm |
Tháng 1 chững đà tăng trưởng
Kết quả cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 22,7% so với cùng kỳ năm trước, song con số này chưa phản ánh đầy đủ thực tế, bởi tháng đầu năm có hai thời điểm nghỉ Tết kéo dài.
Những kết quả sản xuất công nghiệp tháng đầu năm cho thấy 11 tháng còn lại của năm 2023, doanh nghiệp cần gia tăng tốc độ để gánh vác phần thâm hụt đầu năm và giữ vững tốc độ tăng trưởng đến hết năm.
Toàn ngành công nghiệp chế biến- chế tạo bị ảnh hưởng nhiều bởi kỳ nghỉ Tết dài ngày trong tháng 1/2023. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp nền tảng với các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai… đủ mạnh và triển khai thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. |
Theo Bộ Công Thương, tháng 1, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này. Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.
Do đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tháng 1/2023 giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn giảm mạnh so với tháng trước (Vĩnh Long giảm 22,8%; Vĩnh Phúc giảm 28,7%; TP Hồ Chí Minh giảm 21,4%; Đồng Nai giảm 15,7%; Bình Dương giảm 17,4%; Hà Nội giảm 23,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 13,8%; Hải Dương giảm 20,2%; Quảng Bình giảm 26,5%) đã ảnh hưởng đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung của cả nước trong tháng này.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2023, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản. Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm trước, do đó tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2023 ước giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.
Khai thác tối đa dư địa xuất khẩu ngành có lợi thế
Sản xuất công nghiệp giảm ở nhịp đầu năm nhưng mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng từ 8-9% so với năm 2022, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%. Vậy giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, những tín hiệu đầu năm liệu có tạo nên dấu mốc mới?
Đầu năm 2023, xuất khẩu thép của Hòa Phát đón tín hiệu vui với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Úc như: Mỹ, Canada, Mexico, Puerto Rico, Úc, Malaysia, Hồng Kông, Campuchia… Sản lượng xuất khẩu thép (thép thanh, thép cuộn xây dựng, thép cuộn chất lượng cao) trong tháng 1 đạt 46.000 tấn. Về các sản phẩm hạ nguồn, ống thép Hòa Phát ghi nhận hơn 53.000 tấn, tăng 6% so với tháng đầu năm 2022. Tôn mạ các loại đạt 21.000 tấn, tương đương 50% so với cùng kỳ 2022. Năng lực sản xuất thép của Tập đoàn hiện tại là 8,5 triệu tấn thép/năm. Hiện, Tập đoàn tiếp tục triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đúng tiến độ nhằm bắt kịp nhu cầu khi thị trường tốt trở lại.
Hay với ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Do đó, đây cũng là lĩnh vực tiềm năng phát triển.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, một trong những trọng tâm sẽ triển khai năm 2023 để tiếp tục phát triển ngành sản xuất công nghiệp là triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch, góp phần giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các trung tâm kỹ thuật dùng chung phục vụ nghiên cứu đổi mới, hấp thụ và phát triển công nghệ ngành công nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn.
Ngoài ra, Cục cũng nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết với các doanh nghiệp FDI để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu...