Mỗi năm đến dịp Tết Nguyên đán, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) lại tất bật hoàn thiện hàng nghìn tác phẩm sơn mài về những con giáp là linh vật đại diện cho năm mới.
Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, anh cho ra mắt bộ sưu tập với 1.000 tạo tác mang tên “con Rồng cháu Tiên”, trong đó có bộ ghế hình rồng 5 móng nổi bật, lấy ý tưởng phát triển từ rồng thời nhà Lý. Rồng tông màu vàng được thể thiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa. Hình ảnh tiên được nghệ nhân sắp đặt rất nhiều trên khoảng không phía trên rồng thể hiện sự hoà hợp giữa rồng và tiên.
|
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên một tác phẩm rồng. Ảnh: T.P |
|
Chiếc ghế cao 1,65 m, dài 2 m và được mạ khoảng 2.500 lá vàng, tương đương với 500 g vàng 24K. Tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa. Sự kỳ công, tỉ mỉ của sơn mài cùng thủ thuật dát vàng đã tạo nên giá trị đặc biệt và những ấn tượng về thị giác. Ảnh: T.P |
“Trong văn hoá người Việt Nam, hình ảnh của rồng có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Rồng thường được coi là một biểu tượng linh thiêng, đại diện cho sức mạnh, quyền lực, may mắn và bảo hộ. Con rồng thường xuất hiện trong văn hoá truyền thống và mỹ thuật Việt Nam. Một trong những điều làm nên sự đặc biệt và là cảm hứng để tôi sáng tác ra bộ sưu tập Con Rồng cháu Tiên” anh Phát cho hay.
|
Những tạo tác rồng nhiều kiểu dáng mang đậm ý nghĩa về văn hóa của người Việt với mong muốn bình an, phát lộc trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: T.P |
Bộ sưu tập 1.000 tạo tác “con Rồng cháu Tiên” được thể hiện bằng nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại thể hiện sự đa dạng của các loại nghề truyền thống.
|
Nhiều tạo tác rồng muôn hình vạn vẻ được anh Phát chế tác riêng cho năm mới Giáp Thìn 2024. Ảnh: T.P |
Bộ sưu tập có nhiều tác phẩm, bố cục sắp đặt thể hiện câu chuyện từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên là một truyền thuyết Việt Nam nói về xuất thân của người Việt. Trong cách gọi này, Rồng chỉ Lạc Long Quân và Tiên chỉ Âu Cơ. Người Việt tự gọi mình là con Rồng cháu Tiên hay giống rồng tiên tức nhận mình là dòng dõi của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây là tên gọi thường dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý kêu gọi sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
|
Lão long huấn tử là ý tưởng để anh Phát làm lên tác phẩm ghế rồng này. Ảnh: T.P |
Tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát từ ý nghĩa, tạo hình, chất liệu đều mang tính truyền thống nhưng luôn dành sự tôn vinh cho sáng tạo, sống động mang hơi thở hiện đại. Là một nghệ nhân được đào tạo bài bản và kết hợp với tay nghề, vốn sống của một nghệ nhân, anh là điển hình của thế hệ mới kế tiếp, phát huy bản sắc dân tộc trong những tác phẩm sơn mài hiện đại.
|
Hình tượng rồng được anh Phát thể hiện với sự kính trọng của rồng thời Lý, có nhấn thêm các chi tiết đuôi lá đề hình tượng của phật giáo, móng rồng vững chãi và mạnh mẽ tối thượng hơn với năm móng. Ảnh: T.P |
|
Các tác phẩm của anh Phát có tính ứng dụng cao trong cuộc sống như bộ hộp đựng sách với các biểu tượng rồng Việt qua các thời kỳ khác nhau gồm rồng thời Lý, rồng thời Lê Sơ, rồng thời Trần...Ảnh: T.P |
|
Hộp đựng sách sơn mài mang biểu tượng hình rồng thời Lý. Ảnh: T.P |
|
Trong bộ sưu tập Con rồng cháu tiên năm nay, anh Tấn Phát đã phát triển thêm nhiều chất liệu và sản phẩm khác nhau như, gốm, mộc bản được ứng dụng trên bộ hộp đựng sách. Ảnh: T.P |
|
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trong thời gian hoàn thiện chiếc ghế rồng. Ảnh: T.P |
Với nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, mỗi tác phẩm được anh tạo tác cũng là cách thể hiện sự tri ân và góp phần quảng bá du lịch cho Làng cổ Đường Lâm, mảnh đất quê hương anh gắn bó.