Hết năm 2024, cả nước có 79-79,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Không để lặp lại nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới Mỗi xã phát triển một sản phẩm gắn với nông thôn mới |
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc Họp trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số địa phương về tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến tháng 9; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến hết năm 2024 diễn ra vào chiều ngày 23/10/2024.
Cả nước có 6.320 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Quang cảnh cuộc họp |
Theo số liệu báo cáo, đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 38% số xã đạt nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện (khoảng 47%) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có thêm từ 1-2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 30,7% số lượng sản phẩm OCOP của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 18,3%, tiếp đến là miền núi phía Bắc chiếm 16,8%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 5,8%. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt rất thấp
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn những khó khăn nhất định. Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn rất chậm. Đến hết 9/2024, vẫn còn 18 tỉnh, thành phố chưa ban hành/hoặc chưa ban hành đầy đủ các văn bản cụ thể hóa các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới theo phân cấp tại Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hết năm 2024, cả nước có khoảng 79-79,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: MH |
Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 (bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024) đạt rất thấp. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao (trong đó, vốn kéo dài từ các năm trước giải ngân đạt 23,3%, kế hoạch vốn giao năm 2024 giải ngân đạt 49%), tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).
Có 31 địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp dưới 20%. Còn 03/16 tỉnh chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển (nguồn vốn nước ngoài) thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Tiến độ triển khai các mô hình chỉ đạo điểm thuộc các chương trình chuyên đề rất chậm. Kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; vẫn còn 04 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%, còn 05 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay vẫn còn 14 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã nông thôn mới”. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại, thỏa mãn với kết quả đã đạt chuẩn. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 được cấp có thẩm quyền giao, làm nền tảng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mà UBND cấp tỉnh đã đăng ký đạt được trong năm 2024. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án, đề án, kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng của địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các mô hình thuộc chương trình. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức truyền thông về nông thôn mới và các chương trình chuyên đề thông qua giới thiệu các cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.