‘Bác sĩ’ của động vật quý hiếm ở Vườn quốc gia Vũ Quang
Vườn quốc gia Vũ Quang đón nhận danh hiệu ‘Vườn di sản ASEAN’ Vườn Quốc Gia Vũ Quang - Hà Tĩnh công bố với thế giới 2 loài thực vật mới |
“Bệnh viện” của muông thú
Ở Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) có một “bệnh viện” cho thú rừng hoang dã rộng khoảng 70m2, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm cá thể động vật, sau đó chăm sóc và tái thả về tự nhiên.
Bóng dáng hai cô gái nhỏ nhắn mặc áo blouse trắng cặm cụi chăm sóc những chú khỉ trong lồng sắt khiến ai nấy đều cảm thấy lạ mắt. Hỏi ra mới biết đó thực ra là cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang. Ngày thường họ đảm đương trách nhiệm bảo vệ rừng, mỗi khi có con thú nào gặp nạn họ lại hóa thân thành những vị “bác sĩ” để cứu chữa các “bệnh nhân” đặc biệt.
Vườn quốc gia Vũ Quang là cánh rừng nguyên sinh được ví như “viên ngọc xanh” ở Hà Tĩnh |
Dù hiện tại họ là những “thầy thuốc” lành nghề ở Vườn quốc gia Vũ Quang nhưng ít ai biết những cán bộ này chưa từng được đào tạo qua các trường lớp về y dược hay bồi dưỡng kiến thức về cứu chữa động vật hoang dã. Mỗi ngày, họ chăm sóc các “bệnh nhân” đặc biệt dần dà khiến họ trở thành “bác sĩ” bất đắc dĩ.
Dơ ngón tay từng phải khâu 7 mũi vì bị một con khỉ cắn trong lúc cho ăn, chị Lê Thị Bảo Ngọc (cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang) kể, thông thường, các loài động vật khi vừa dính bẫy được người dân giao nộp đều có biểu hiện sợ hãi, sẵn sàng tấn công cán bộ khi tiếp xúc gần, cần nhiều thời gian để có được “tín nhiệm” từ chúng.
Những vị “bác sĩ” tận tụy chăm sóc thú rừng hoang dã |
“Những loài thú đều có tình cảm như con người, dần dần với sự chăm sóc của tôi, chúng quen hơn và hay chờ tôi để được cho ăn, hú hét mỗi khi tôi xuất hiện gần khu vực nuôi nhốt”, chị Ngọc cho hay.
Hơn 6 năm công tác tại Vườn quốc gia Vũ Quang, chị Ngọc đối diện vô vàn “ca khó” khi cứu chữa động vật hoang dã. Chị Ngọc còn nhớ như in lần giải cứu khỉ mẹ bị mắc bẫy trên rừng khiến cánh tay bị hoại tử, hơi thở thoi thóp, cần phải nhanh chóng thực hiện phẫu thuật tháo khớp.
Tuy nhiên cơ sở vật chất tại trung tâm không đủ để thực hiện ca mổ, nếu chậm trễ con khỉ sẽ bị mất máu quá nhiều dẫn đến tử vong. Đứng trước tình hình đó, ngay trong đêm tối, chị Ngọc đã vượt hơn 70km, đưa chú khỉ bị thương tới trung tâm chữa bệnh cho động vật ở thành phố Hà Tĩnh để chữa trị.
Ca mổ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, tính mạng con khỉ mẹ được giữ lại. Sau 5 tháng chăm sóc đặc biệt tại vườn quốc gia, sức khỏe của chú khỉ đã ổn định dù bị mất một cánh tay. Sau khi được thả về tự nhiên, thi thoảng nó vẫn quanh quẩn nơi có lán trại của cán bộ bảo vệ rừng để xin thức ăn và ra những hành động cảm ơn con người.
Hiện tại, chị Ngọc đang nhận trách nhiệm chăm sóc gia đình khỉ vừa được người dân giao nộp. “Khỉ bố bị thương ở tay, còn khỉ mẹ hiện đang mang thai, sau đợt này chúng sẽ được thả về tự nhiên. Gia đình khỉ này còn có một con nhỏ hơn 10 tháng tuổi, nó lớn lên trong trung tâm nên ít phá phách và thân thiện với con người hơn những con khác”, chị Ngọc tỉ mỉ kể.
Cũng giống như chị Ngọc, chị Trần Thị Hồng cũng là cán bộ chuyên chăm sóc, chữa bệnh cho thú rừng hoang dã trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Trong nhiều năm làm nghề, đôi tay chị Hồng đã cứu sống vô số cá thể động vật hoang dã bị dính bẫy của kẻ xấu. Niềm hạnh phúc nhất của cô gái nhỏ nhắn này là được gặp lại những con vật hoang dã mà mình từng cứu sống mỗi khi đi kiểm tra ngoài tự nhiên.
Theo chị Hồng, các loài động vật hoang dã có bản năng sinh tồn cao, lại bị mắc bẫy, bị thương nên rất hung hăng, luôn trong tâm thế tấn công con người khi chúng ta tới gần. Dù đã đeo găng tay bảo hộ nhưng không ít lần chị Hồng bị các con thú tấn công dẫn đến bị thương.
Các cá thể động vật được mạnh khỏe, thả về tự nhiên là niềm vui đối với những cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang |
Chỉ tay về phía chú vượn đen má trắng được nuôi ở chuồng ngoài cùng, chị Hồng nói, con vật này rất thích trêu ghẹo các cán bộ mỗi khi tới gần nó, đặc biệt là chị em phụ nữ. Còn những con khỉ mặt đỏ là loài hung hăng nhất, chúng sẵn sàng tấn công con khác để giành thức ăn nếu nuôi nhốt gần nhau. “Việc chăm sóc động vật nhìn thì dễ dàng nhưng đó là cả một chiến thuật của sự nhẫn nại, dỗ dành giống như người mẹ chỉ bảo con cái”, chị Hồng tâm sự.
Điều khó khăn nhất đối với các bác sĩ là hầu hết những con vật bị người dân nuôi nhốt từ lâu, nên đã mất đi bản tính săn mồi nên phải mất rất nhiều thời gian để huấn luyện chúng. Nhiều con vật sau khi thả về rừng, lại nhanh chóng theo cán bộ quay về trung tâm.
“Tôi yêu các loài động vật hoang dã, nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc với quá trình chăm sóc chúng. Đáp lại tình cảm của bác sĩ, những loài động vật cũng dần hòa hợp, thể hiện sự tin tưởng mỗi khi cán bộ chạm vào người”, chị Hồng chia sẻ với phóng viên.
Nỗ lực đưa thú rừng hoang dã tái thả về “nhà” của chúng
Theo thống kê của Vườn quốc gia Vũ Quang, từ đầu năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 cá thể động vật hoang dã do các tổ chức và cá nhân bàn giao để cứu hộ, tái thả. Trong đó, có hơn 300 cá thể đã được tái thả về môi trường tự nhiên.
Đây là những con số ấn tượng và tăng dần trong những năm gần đây. Qua số liệu trên, có thể thấy, hiện tại số lượng loài được bảo tồn tại Vườn quốc gia Vũ Quang đang tăng trưởng cũng như việc nhận thức của người dân đã đổi thay.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang) - cho biết, thực tế trước đây, người dân địa phương và giáp ranh vườn có thói quen săn bắt thú rừng về làm thức ăn hoặc nuôi nhốt làm cảnh.
Hồi mới thành lập vườn, bẫy của người dân giăng khắp nơi, các lối nhỏ trong rừng như “ma trận” chực chờ thú rừng. Thậm chí, có những cuộc chạm trán giữa lực lượng chức năng và phe đặt bẫy đã nổ ra.
Các đối tượng đánh bắt thú rừng trái phép thường hoạt động vào ban đêm, đặt nhiều bẫy theo luồng di chuyển tìm kiếm thức ăn của động vật hoang dã. Nếu không cẩn thận, kể cả cán bộ vườn quốc gia cũng dính phải bẫy thú.
Khi tiếp nhận tin báo có trường hợp thú rừng bị thương do dính bẫy, bộ phận cứu hộ sẽ nhanh chóng tiếp cận, phối hợp với lực lượng kiểm lâm viên để cấp cứu các “bệnh nhân”. Nếu thể trạng của con vật tốt, lực lượng chức năng sẽ trực tiếp thả về tự nhiên, còn đối với những cá thể bị thương nặng không thể di chuyển, lực lượng chức năng sẽ mang về trung tâm tiếp tục chăm sóc, chờ tái thả khi chúng phục hồi.
“Mỗi năm có hàng trăm cá thể động vật được người dân giải cứu và trao tặng lại vườn để thả về môi trường tự nhiên, đây là bước tiến lớn trong công cuộc thay đổi nhận thức, trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã của người dân”, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế chia sẻ.
Những “bệnh nhân” đặc biệt chờ tái thả ở Vườn quốc gia Vũ Quang |
Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang - cho biết, việc giải cứu thú rừng khỏi bẫy, chăm sóc và thả về lại môi trường tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia. Trong những năm qua, chúng tôi luôn chỉ đạo lực lượng, cơ quan trực thuộc phải tích cực phối hợp thực hiện công tác này.
Mặc dù chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thú y, nhưng thông qua việc tiếp nhận, chăm sóc các cá thể động vật hoang dã trong nhiều năm, cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đã tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc để chữa trị vết thương cho các loài vật tại đây.
“Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân giao nộp lại thú rừng hoang dã để trả lại môi trường tự nhiên. Việc người dân trả lại động vật hoang dã trước đây đã nuôi nhốt không những không bị phạt mà còn được tuyên dương, thậm chí có thưởng”, ông Kỳ cho hay.
Vườn quốc gia Vũ Quang được thành lập ngày 30/7/2002. Vườn có một hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú, với hơn 1.800 loài thực vật bậc cao, 94 loài thú, 315 loài chim, 90 loài bò sát ếch nhái, 88 loài cá, hơn 316 loài bướm, 118 loài kiến, 28 loài nhện và côn trùng khác, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Voọc vá chân nâu, vượn má vàng, voi, mang lớn, cheo cheo, rắn hổ mang chúa. Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra ở thành phố Pakse, tỉnh Champasak (CHDCND Lào), Vườn quốc gia Vũ Quang chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”. |