Hà Nội sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô
Trải qua 70 năm Thủ đô hoàn toàn được giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), Hà Nội giờ đây đã trở thành biểu tượng cho sự gắn kết giữa văn hoá và lịch sử. Trong những ngày này, không khí hân hoan, tự hào bao trùm khắp các con phố, từng góc đường được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ sẵn sàng cho cho Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. |
Phố đi bộ Hà Nội từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân cả nước và khách du lịch. Với không khí thoáng đãng và vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà cổ, đây không chỉ là không gian để đi dạo thư giãn mà còn là nơi thể hiện rõ nét giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), phố đi bộ Hà Nội được trang trí lộng lẫy với những băng rôn, cờ hoa, làm nổi bật không khí vui tươi, phấn khởi. Các hoạt động kỷ niệm trải dài khắp các khu phố, từ những màn biểu diễn nghệ thuật đến các triển lãm ảnh, phim tài liệu tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử của ngày 10/10/1954. |
Đặc biệt là 5 cửa ô đã trở thành những biểu tượng, ghi dấu những thời khắc quan trọng trong cuộc chiến đấu giành độc lập của người dân Hà Nội. Trong dịp lễ trọng đại này, cả 5 cửa ô đều được tái hiện lại ngay trên phố đi bộ Hà Nội, gợi lên biết bao kỷ niệm, niềm tự hào và lòng yêu nước trong trái tim người dân. |
Cầu Dền là một trong những cửa ô quan trọng của Hà Nội. Ô nằm ở ngã tư lớn, nối liền 4 tuyến đường: Đại Cồ Việt, Bạch Mai, Trần Khát Chân và Phố Huế. Trong ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, Cầu Dền là nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản khu vực phía nam thành phố. Người dân tại đây đã đứng đón chào đoàn quân với niềm hân hoan, cảm giác tự do sau bao năm tháng kháng chiến gian khổ. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, cửa ô Cầu Dền được dựng lên một cách lộng lẫy, những hình ảnh về cuộc chiến và sự giải phóng được tái hiện như một lời nhắc nhở về sự kiên cường của Hà Nội. |
Ô Cầu Giấy, nằm ở phía tây của Thủ đô, nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã. Trong ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, người dân và du khách được tận mắt chứng kiến những tư liệu, hình ảnh về trận Cầu Giấy, về cuộc kháng chiến trường kỳ của Hà Nội, từ đó cảm nhận được sự hy sinh và quyết tâm của ông cha để giành lại độc lập, tự do. |
Ô Đông Mác nằm ở khu vực phía Đông Nam Hà Nội, nằm ở cuối phố Lò Đúc, là một trong những cửa ô có vị trí chiến lược, nối liền Thủ đô với các vùng đồng bằng sông Hồng. Vào ngày 10/10/1954, đây là một trong những nơi đoàn quân tiến vào giải phóng, khôi phục hoàn toàn chủ quyền của Thủ đô. |
Ô Chợ Dừa nằm ở phía tây nam của Thủ đô, là nơi nối liền Hà Nội với các khu vực phía nam. Đây cũng là một trong những cửa ô quan trọng trong lịch sử, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vào ngày 10/10/1954, cửa ô Chợ Dừa đã đón đoàn quân từ phía nam tiến vào, mang theo niềm vui giải phóng cho toàn bộ khu vực phía tây thành phố. Người dân khu vực này đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, từ treo cờ, hoa, đến các buổi biểu diễn văn nghệ để đón đoàn quân chiến thắng. |
Cửa ô Quan Chưởng là cửa ô nổi tiếng nhất trong số các cửa ô của Hà Nội, nằm trên phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những cửa ô còn nguyên vẹn, được xây dựng từ thế kỷ 18 và gắn liền với những dấu mốc lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Trong lễ kỷ niệm 70 năm, Quan Chưởng là một điểm nhấn văn hóa với các chương trình biểu diễn nghệ thuật và tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng. Những bức ảnh tư liệu về cửa ô này được trưng bày khắp nơi, như một minh chứng sống động cho lòng kiên trung và tinh thần yêu nước của người dân Hà Nội |
Không chỉ tái hiện lại 5 cửa ô lịch sử của Hà Nội, Trung tâm Thủ đô còn trở thành một “sân khấu ngoài trời” với hàng loạt hoạt động nghệ thuật đa dạng. Ngoài ra, các triển lãm về lịch sử, văn hóa Hà Nội cũng là một phần không thể thiếu trong dịp lễ này. Các bức ảnh tư liệu, tranh vẽ, và hiện vật quý giá được trưng bày để người dân và du khách có cơ hội nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô suốt 70 năm qua. |
Kỷ niệm 70 năm Giải phóng là dịp để Thủ đô tự hào nhìn lại chặng đường phát triển đầy ấn tượng. Từ một thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị hàng đầu khu vực. |
Về kinh tế, Hà Nội đã đóng góp trên 12,6 % quy mô GRDP cả nước năm 2023, Hà Nội luôn là trung tâm lớn trong việc phát triển dịch vụ tài chính, khoa học công nghệ… Về văn hoá, Hà Nội giữ vai trò là trung tâm văn hóa, nghệ thuật với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, Khuê Văn Các,... Về xã hội, chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện, với sự phát triển hệ thống y tế, giáo dục, và phúc lợi xã hội. Hơn thế nữa, Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm giáo dục hàng đầu tại Việt Nam. |
Sau khi Hà Nội được giải phóng, những công trình lịch sử và các khu phố cổ đã được bảo tồn và cải tạo, tạo nên một diện mạo vừa cổ kính, vừa hiện đại. Một trong những công trình lớn và mang tính biểu tượng nhất chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 29/8/1975. Đây không chỉ là nơi để người dân cả nước và bạn bè quốc tế bày tỏ lòng biết ơn và tôn kính với Bác Hồ, mà còn là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, độc lập và tinh thần kiên cường của dân tộc. Công trình này tọa lạc ngay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử và văn hóa. |
Cột cờ Hà Nội, cũng là một trong những công trình lịch sử quan trọng và cổ kính nhất của Thủ đô, đã trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự phát triển của thành phố, đặc biệt sau ngày 10/10/1954, khi Hà Nội chính thức được giải phóng. Trong suốt 70 năm qua, Cột cờ Hà Nội không chỉ là một chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng vững chãi của tinh thần độc lập, kiên cường và sự hồi sinh của Thủ đô. |
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc mang đậm phong cách Pháp, được xây dựng từ năm 1901 đến 1911. Sau khi Thủ đô được giải phóng, nhà hát này đã trải qua nhiều lần tu sửa để trở lại với vai trò là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội và cả nước. Với vị trí chiến lược ở trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn, bao gồm cả những buổi lễ kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Sau chiến tranh, nơi đây không chỉ là một di sản kiến trúc, mà còn là nơi khơi nguồn và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc. |
Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội, sau khi Giải phóng đã trải qua nhiều đợt cải tạo và bảo tồn. Các công trình như Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn và Cầu Thê Húc được trùng tu, giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm của một di sản văn hóa ngàn năm. |
Song song với đó, những công trình mới hiện đại như Khu đô thị Times City, Vinhomes Riverside, hay các tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Hà Nội. Thành phố không chỉ giữ vững bản sắc văn hóa ngàn năm, mà còn tự tin hội nhập, đón đầu xu thế của thế giới. |
Một điểm nổi bật không thể thiếu trong dịp kỷ niệm lần này chính là tinh thần đoàn kết, phấn khởi của người dân Hà Nội. Từ các khu phố, tổ dân phố, đến những cộng đồng nhỏ, tất cả đều hòa mình vào không khí lễ hội chung. Nhiều hộ gia đình đã treo cờ Tổ quốc, trang hoàng nhà cửa để góp phần tạo nên diện mạo tươi mới cho Thủ đô. |
Bà Chu Thị Quyết, một người dân Hà Nội đã sống qua thời khắc lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, chia sẻ: “Mỗi dịp kỷ niệm 10/10, tôi lại nhớ về thời khắc lịch sử ấy. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, hầu hết các cửa ô Hà Nội đã bị phá hủy, nhưng những hình ảnh đầy tự hào khi đoàn quân Việt Nam ta tiến vào từ 5 cửa ô để tiếp quản Hà Nội vẫn sống mãi trong tim tôi và tất cả người dân Hà Nội thời bấy giờ”. |
Những ngày này, từ người dân của các địa phương cho đến du khách từ khắp nơi trên thế giới, tất cả đều háo hức đổ về trung tâm thành phố để cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thưởng thức không gian đặc sắc của thủ đô trong ngày trọng đại. Chị Loan du khách đến từ Quy Nhơn háo hức chia sẻ: “Phố phường Hà Nội được trang trí rất đẹp, không khí đông vui náo nức. Tôi cảm thấy thật ý nghĩa và tự hào khi có mặt ở Hà Nội những ngày trọng đại này”. |
Không chỉ người dân Việt Nam, các du khách nước ngoài cũng thấy cực kỳ hứng thú với ngày lễ quan trọng của Thủ đô, đôi vợ chồng Christine (Úc) hồ hởi với không khí trên phố đi bộ: “Chúng tôi mới tới Việt Nam được 24 giờ nhưng nhìn xem, mọi thứ thật lộng lẫy, những bông hoa thật xinh đẹp, thời tiết thì tuyệt với! Chúng tôi sẽ tận hưởng kỳ nghỉ có một không hai ở Hà Nội”. |
Đi dạo xung quanh hồ và ngắm nhìn những tư liệu lịch sử được trang trí, Tracy - một du khách người Anh chia sẻ: “Tôi và chồng biết được ở đây đang tổ chức kỷ niệm 70 năm, chúng tôi thấy hình ảnh của Hồ Chí Minh và các cuộc chiến được thể hiện trên những bức ảnh trang trí nên chúng tôi đoán đây là ngày độc lập của Hà Nội”. “Tôi nghĩ mọi người đã bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị cho ngày đặc biệt của thủ đô. Chúng tôi tới đây từ giữa tuần trước và tự hỏi chuyện gì đang diễn ra khi thấy những bông hoa được trồng, giấy trang trí, những bức tranh và quà. Rồi càng ngày chúng tôi càng thấy nhiều hơn những sự chuẩn bị. Mấy ngày hôm nay chúng tôi chỉ có thể thốt lên “Wow” và “Wow”, mọi thứ quá tuyệt vời!” - Tracy vui vẻ tâm sự. |
Hà Nội đang sẵn sàng cho một cột mốc lịch sử quan trọng - kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Với không khí lễ hội sôi động, các công trình lịch sử được tôn vinh, và sự tham gia tích cực của người dân, sự kiện này sẽ là dịp để cả nước và thế giới thấy được sự phát triển vượt bậc của Hà Nội. Đây không chỉ là niềm tự hào về quá khứ vẻ vang, mà còn là bước tiến mạnh mẽ hướng tới một tương lai thịnh vượng, hiện đại và bền vững. |