Xuất nhập khẩu qua Cao Bằng khởi sắc, nhưng khó khăn phía trước
Áp dụng hơn 12.000 dòng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo CPTPP Hàng hoá xuất nhập khẩu tăng đột biến, Lạng Sơn tăng thời gian thông quan |
Tăng 3 con số, nhưng...
Quý I, toàn Cục Hải quan Cao Bằng có 109 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 69,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh 3 con số. Cụ thể, quý 1, kim ngạch đạt 35,2% tăng 214%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có mức tăng trưởng cao như: thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn... Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu tại Hải quan Cao Bằng tăng cao do cùng kỳ năm ngoái Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn để phòng chống dịch Covid-19, nhất là hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Mặt hàng ô tô nhập khẩu làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng (Cục Hải quan Cao Bằng) đang có chiều hướng giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách của Chi cục và toàn Cục. Ảnh: T.Bình |
Trái với sự tăng trưởng khả quan của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 34,3 triệu USD, tăng 7%. Đặc biệt các nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu đều giảm sâu như: rau quả; than các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; ô tô các loại.
Dù có sự khởi sắc trong quý I nhưng trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng Lê Viết Phong chia sẻ: hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn chưa thực sự ổn định, bền vững vì quy mô kim ngạch còn khiêm tốn so với bình thường trước đây. Trong các cửa khẩu trên địa bàn, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu diễn ra ở cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, trong khi ở cửa khẩu Trà Lĩnh khá cầm chừng, cửa khẩu Sóc Giang dù được khôi phục nhưng gần như chưa có hoạt động, cả tháng 3 chỉ có 1 tờ khai, thu được khoảng 70 triệu đồng tiền thuế; các cửa khẩu phụ như Pò Peo, Lý Vạn vẫn chưa có hoạt động xuất nhập khẩu.
Như đề cập ở trên, quý I/2022, toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Cao Bằng gần như “đóng băng” nên trong quý 1 năm nay kim ngạch có nhích lên một chút đã có sự tăng trưởng khác biệt.
Thực tế số liệu thống kê của Hải quan Cao Bằng cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu chỉ đạt từ một đến vài triệu USD nhưng đã tăng đến hàng chục thậm chí hàng nghìn điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, rau quả đạt gần 7,93 triệu USD, tăng 93%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt gần 2,54 triệu USD, tăng 156%; hạt điều đạt 7,45 triệu USD, tăng 444%; thủy sản đạt gần 4,76 triệu USD, tăng 917%; hạt tiêu đạt gần 1,15 triệu USD, tăng 2.087%; cà phê đạt 2,4 triệu USD, tăng 2.577%.
Đáng chú ý, dù có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Hải quan Cao Bằng trong quý 1/2023 chưa bằng 9% tổng kim ngạch của năm 2022 (năm ngoái đạt gần 811 triệu USD). Trong đó kim ngạch xuất khẩu bằng 19,55%; nhập khẩu chỉ bằng 5,4%.
“Với quy mô kim ngạch hiện nay, nếu không có thay đổi đột biến, sang tháng 4 kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn so với cùng kỳ năm ngoái sẽ có sự biến động lớn theo chiều hướng giảm, vì tháng 4/2022 hoạt động nhập khẩu ô tô bắt đầu tăng mạnh, nhưng những tháng đầu năm nay mặt hàng này đều đang giảm”, Cục trưởng Lê Viết Phong nói.
Thu ngân sách mới đạt 15%
Về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, Cục trưởng Lê Viết Phong cho biết: năm 2023 Cục Hải quan Cao Bằng được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu 1.070 tỷ đồng (địa bàn Cao Bằng 1.048 tỷ đồng; địa bàn Bắc Kạn 22 tỷ đồng); UBND tỉnh Cao Bằng giao chỉ tiêu phấn đấu 1.225 tỷ đồng tỷ đồng.
Căn cứ số thu năm 2022, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn và cơ chế chính sách điều hành xuất nhập khẩu hiện hành, Cục Hải quan Cao Bằng đã giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc.
Đồng thời ban hành kế hoạch thu ngân sách và đánh giá thu ngân sách hàng tháng; triển khai Chỉ thị 479/CT-TCHQ ngày 6/2/2023 của Tổng cục Hải quan “về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023”; ban hành kế hoạch số 300/KH-HQCB ngày 6/3/2023 của Cục Hải quan Cao Bằng triển khai Chỉ thị 479/CT-TCHQ; tiếp tục tăng cường công tác quản lý trị giá và phân loại hàng hóa...
Cập nhật từ đầu năm đến 15/3, Cục Hải quan Cao Bằng thu ngân sách đạt 189,72 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tập trung chủ yếu ở những mặt hàng như: ô tô các loại, vải may mặc, than cốc, ván gỗ bóc, chì thỏi, máy móc thiết bị...
Qua thực tiễn và phân tích, đánh giá tình hình, Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng cho rằng nhiệm vụ thu ngân sách trong những tháng còn lại là đầy thách thức. Bởi, mặt hàng có đóng góp lớn nhất về thu ngân sách trong năm 2022 là ô tô nhập khẩu, chiếm trên 90% tổng thu toàn Cục. Nhưng những tháng đầu năm mặt hàng này đã giảm đáng kể, hiện chỉ được vài chục xe/tháng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách và các mục tiêu chung của năm 2023, trong quý 2 và thời gian tới, Hải quan Cao Bằng tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước về hải quan, pháp luật về thuế. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp thu ngân sách và thu hồi nợ thuế trong năm 2023. Thực hiện công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh đúng chế độ chính sách. Phối hợp thực hiện tốt đề án nộp thuế điện tử 24/7…
Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm, gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro và công tác kiểm tra sau thông quan; cập nhật kịp thời kết quả thực hiện vào các hệ thống quản lý rủi ro theo quy định... Đẩy mạnh và triển khai đầy đủ các chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, chủ động phối hợp với các đơn vị theo quy chế để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn...