Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 10 tháng năm 2024 đạt gần 2,1 triệu tấn
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 10/2024 đạt 150.000 tấn, đem về 69,5 triệu USD. Luỹ kế 10 tháng năm 2024, tổng khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 2,1 triệu tấn, với kim ngạch 948,7 triệu USD, giảm 13,8% về khối lượng và giảm 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong 10 tháng năm 2024 đạt gần 2,1 triệu tấn. Ảnh: Việt Trung |
Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 459 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng năm 2023. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 91,3% thị phần, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu sắn lát của của thị trường Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 5,61 triệu tấn sắn lát, trị giá 1,55 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu sắn lát. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,89 triệu tấn sắn lát, trị giá 482 triệu USD, giảm 60% về lượng và giảm 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan, Việt Nam và Nigeria tiếp tục giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng năm 2024, dù vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, nhưng sắn lát Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 308.000 tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 49% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tinh bột sắn tăng mạnh
Trong 8 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,43 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn nhất cho Trung Quốc với 1,13 triệu tấn trị giá 617,41 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 930.000 tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 chiếm 38% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 32% của cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tinh bột sắn tuy tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, nhưng trong 2 tháng qua, nhu cầu nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đã giảm mạnh, đang tác động tới giá sắn Việt Nam. Giá tinh bột sắn chào bán về các cảng chính của Trung Quốc đều ở mức thấp, khiến cho giá tinh bột sắn Việt Nam đang giảm xuống.
Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 11/2024, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 460-480 USD/tấn (FOB) tại cảng TP Hồ Chí Minh, giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 10. Giá tinh bột sắn xuất khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái cũng dao động ở mức 3.400-3.520 CNY/tấn, giảm 1.000 CNY/tấn.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 9/2024 do bị ảnh hưởng của mưa lũ và nhu cầu của Trung Quốc chậm. Cụ thể, trong tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu được 121 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 57 triệu USD, giảm 37% về lượng và giảm 35% về trị giá so với tháng 8/2024; so với tháng 9/2023 giảm 54% về lượng và giảm 54% về trị giá. Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,91 triệu tấn, trị giá 879 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 10 đến nay, sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn, trong khi tình hình xuất khẩu tinh bột sắn lại đang chậm. Vì vậy, một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua nguyên liệu. Những ngày đầu tháng 11, giá thu mua sắn nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với đầu tháng 10.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, thông tin từ các đơn vị kinh doanh sắn lát cho hay, dự kiến thị trường sắn lát vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm giá và giảm nhu cầu. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp còn sắn lát tồn kho vụ 2023-2024 đang buộc phải mở kho bán xả lỗ, quay vòng tài chính cho vụ mới 2024-2025.