Điểm tên những thị trường nhập khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam
Xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng thu 3,75 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD |
Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu nhóm phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 22,6% so với tháng trước và tăng 14% so với tháng 10/2023.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam thu về từ nhóm hàng này tăng 5,9%, đạt 12,5 tỷ USD, lọt top những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất.
Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức…
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 2,67 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm gần 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 10 tháng năm 2024.
10 tháng năm 2024, Việt Nam thu về từ nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 5,9%, đạt 12,5 tỷ USD |
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2. Cụ thể, trong tháng 10, nước ta xuất khẩu hơn 282 triệu USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm, Nhật Bản chi ra 2,46 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng này, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 22%.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 nhóm hàng này. Trong tháng 10, Việt Nam thu về 124 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 1,32 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng khoảng 12%.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là các trung tâm ô tô, bởi vậy việc các thị trường này nhập khẩu linh kiện phụ tùng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghiệp ô tô.
Dù ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang gặp khó khăn, xuất khẩu linh kiện phụ tùng từ Việt Nam vẫn tăng, cho thấy vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới.
Nguyên nhân là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, tạo việc làm cho hơn 600.000 người, trong đó khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ thu mua linh kiện của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% lên 37% trong 10 năm qua.
Bộ Công Thương xác định, đến năm 2045, ngành này sẽ tập trung vào sản xuất xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh. Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng từ 80-85% nhu cầu linh kiện ô tô trong nước và trở thành nhà cung cấp quan trọng cho khu vực và toàn cầu.