EU chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam
Hồ tiêu Việt Nam đang khẳng định vị thế số 1 tại thị trường EU EU là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam |
EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc – 3 nhà mua cà phê lớn nhất của Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, Các tháng đầu năm 2024, nhập khẩu cà phê của nhiều thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng.
Ngày 13 - 14/11, EU sẽ đưa ra quyết định chính thức về thời điểm thực thi quy định EUDR. Quyết định này sẽ ảnh hưởng mạnh lên diễn biến giá cà phê sau đó. |
Theo Eurostat, trị giá nhập khẩu cà phê của EU trong 7 tháng năm 2024 đạt 12,24 tỷ EUR (tương đương 13,34 tỷ USD), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 32,4%, đạt 1,35 tỷ EUR (tương đương 1,47 tỷ USD). Tuy vậy, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU giảm từ 18,7% trong 7 tháng năm 2023 xuống 16,9% trong 7 tháng đầu 2024.
Còn theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 8 tháng năm 2024, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê đạt 5,71 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 286 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 5,0% trong 8 tháng năm 2024, cao hơn so với 4,9% cùng kỳ năm 2023.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 713 triệu USD, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 71,5 triệu USD, tăng 135,8%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 6,7% trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 10,0% trong 8 tháng đầu năm 2024.
Quý III/2024, giá cà phê thế giới nối tiếp đà tăng của quý II/2024 và thiết lập mức kỷ lục mới vào cuối tháng 9/2024 do nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế. Sang tháng 10/2024, giá cà phê có xu hướng giảm do các quỹ đầu tư đẩy mạnh bán ra. Thời tiết thuận lợi hơn tại Brazil, áp lực từ vụ mùa mới 2024 - 2025 tại Việt Nam và đồng USD tăng tạo áp lực lên giá cà phê. Tuy nhiên, so với quý II/2024, giá cà phê hiện tại vẫn đứng ở mức cao.
Mới đây nhất, số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2024 ước đạt 50.000 tấn, giá trị đạt 292,7 triệu USD; đưa tổng khối lượng cà phê 10 tháng năm nay đạt gần 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng vọt 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua kể từ khi cà phê Việt tham gia thị trường thế giới.
Còn theo báo cáo về kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024) của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), nước ta đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm hơn 12,1% so với niên vụ trước đó. Tuy nhiên, giá trị vẫn tăng mạnh 33% do giá cà phê lập đỉnh lịch sử. Nhờ đó, xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua đem về hơn 5,4 tỷ USD - mức cao chưa từng có.
Chờ quyết định từ thị trường EU
Cà phê của nước ta đã xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước nằm ở khu vực EU.
Cả 5 nước EU là Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga và Hà Lan đều có đơn giá nhập khẩu bình quân dưới 4.000 USD/tấn, trong khi đó, 4 nước nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất tại khu vực châu Á, đơn giá nhập khẩu bình quân đều trên 4.000 USD/tấn. Các nước châu Âu chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân để chế biến và sản xuất cà phê hòa tan. Đây là một quy trình sản xuất tương đối đơn giản, không đòi hỏi nhiều về chất lượng hạt cà phê.
EU đang là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Quy mô tiêu thụ cà phê của thị trường này trong năm 2024 dự kiến lên tới gần 48 tỷ USD và sẽ tăng lên trên 58 tỷ USD vào năm 2029. Do đó, bất kỳ chính sách lớn nào đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tác động ngay tới diễn biến giá cà phê.
Theo lộ trình EUDR, từ ngày 30/12/2024, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường EU nếu không chứng minh được sản phẩm của mình không liên quan đến phá rừng.
Tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hoãn thi hành EUDR thêm 1 năm và nhanh chóng nhận được đồng thuận từ Hội đồng EU (EUCO), song vấp phải sự phản đối từ các tổ chức môi trường. Kết quả cuối cùng về lộ trình EUDR sẽ được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu vào ngày 13-14/11 tới.
Nếu EUDR giữ nguyên lộ trình cũ, trong ngắn hạn, các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng trong những tháng còn lại của năm 2024, khiến cầu về cà phê trên thị trường tăng vọt. Điều này gây tình trạng cung nhỏ hơn cầu tạo đà hỗ trợ quan trọng đối với giá cà phê trong 2 tháng cuối năm.
Còn trong trường hợp EU quyết định lùi thời gian thực hiện EUDR, cung - cầu cà phê trên thị trường tạm thời ổn định, cùng với sự bổ sung nguồn cung từ cà phê thu hoạch trong niên vụ 2024-2025 của Việt Nam, giá cà phê thế giới khả năng cao chỉ neo dưới 4.700 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê trong nước sẽ chỉ dao động trong khoảng 100.000-110.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VICOFA - cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên và rất tích cực triển khai thực hiện EUDR. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đã sẵn sàng xuất khẩu cà phê đáp ứng EUDR ngay khi quy định này được thực thi.
Những tháng vừa qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung vào mua cà phê Việt khi mốc thời gian thực hiện EUDR đến gần. Bởi, Việt Nam gần như là nguồn cung cấp cà phê duy nhất vào thời điểm này có thể giúp họ bảo đảm được quy định EUDR một cách chắc chắn. Qua đó, đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Trường hợp EUDR được thực thi ngay, cà phê Việt sẽ được hưởng lợi lớn về giá vì nước ta bắt đầu vào vụ thu hoạch mới, sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, lãnh đạo VICOFA nhấn mạnh.
Nhận định về quyết định của EU đối với việc thực hiện quy định EUDR, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho rằng, các kịch bản đều có thể xảy ra, nhưng EU sẽ nghiêng về khả năng gia hạn thời gian, bởi dù sao khối này vẫn cần xem xét đến việc đảm bảo tình hình nguồn cung nội bộ. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang thiên hướng thâm hụt nguồn cung. Tuy nhiên, việc xanh hóa thị trường hay đảm bảo các vấn đề về môi trường bao gồm những lộ trình dài hạn, dù không thực hiện ngay nhưng vẫn là xu hướng tất yếu.
Cùng với những chính sách từ một trong 3 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất từ Việt Nam – thị trường EU, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025 dự báo đạt khoảng 169,5 triệu bao, trong khi nhu cầu cà phê toàn cầu ở mức khoảng 171,5 triệu bao (theo I & M Smith). Với dự báo này, cung - cầu cà phê có khả năng sẽ thâm hụt nhẹ trong niên vụ 2024 - 2025 và tùy thuộc vào biến động thời tiết. Tại Việt Nam, dự báo sản lượng cà phê niên vụ mới 2024 - 2025 đạt khoảng 1,6 triệu tấn.
Ngoài ra, giá cà phê trong thời gian tới sẽ còn chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết, địa chính trị,… Do đó, ngành hàng này cần có những chiến lược phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường tiềm năng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành cà phê.