Nhu cầu thị trường tăng: Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc
Trong 15 ngày đầu tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 8.082 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 55,4 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và 5% về giá trị so với nửa đầu tháng 10.
Tại Mỹ chiếm 29,2% thị phần với 2.362 tấn, tiếp tục dẫn đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam.
Tính từ đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 234.824 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 1,17 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng mạnh 47,3% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.129 USD/tấn, tăng 52,1% so với cùng kỳ.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 31.080 tấn hồ tiêu, vượt tổng lượng nhập khẩu cả năm 2023. Indonesia là nguồn cung chính, chiếm 82,3% tổng lượng nhập khẩu trong tháng 11.
Xuất khẩu hồ tiêu nội địa sẽ có nhiều thuận lợi vào đầu năm 2025, nhờ nhu cầu tăng mua từ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hồ tiêu Chư Sê |
Giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi vào đầu năm 2025, nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu dự kiến khan hiếm đến tháng 2/2025, khi các nước sản xuất lớn như Indonesia đã kết thúc vụ thu hoạch. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng giá trị trong giai đoạn đầu vụ thu hoạch mới.
Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng đầu tư vào công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Việc sở hữu các nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã giúp tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Mặc dù có những lợi thế nhất định, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việc chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu thô khiến giá trị gia tăng không cao, dẫn đến giá bán thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Malaysia. Để khắc phục tình trạng này, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến sẽ giúp cải thiện chất lượng hạt tiêu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ. Ngoài ra, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng để xây dựng uy tín và mở rộng thị trường.
Cập nhật mới nhất giá tiêu hôm nay (21/11) giảm 500 – 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 138.000 – 139.500 đồng/kg. Theo đó, tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang thu mua hồ tiêu với giá cao nhất là 139.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) thu mua ở mức 138.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu Đắk Nông hôm nay ghi nhận ở mức 139.500 đồng/kg. Tương tự, giá tiêu tại tỉnh Bình Phước cũng giảm 500 đồng/kg, xuống còn 138.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu giảm đến 1.000 đồng/kg về mốc 138.000 đồng/kg. Đây cũng là giá thu mua tại Đồng Nai, giảm 500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Trên thị trường thế giới, giá tiêu tiếp tục nối dài chuỗi ngày đi ngang từ cuối tuần trước. Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đang niêm yết giá tiêu đen Lampung Indonesia ở mức 6.470 USD/tấn, tiêu đen Brazil ASTA 570 có giá 6.000 USD/tấn, tiêu đen Kuching Malaysia đứng ở mức 8.400 USD/tấn. Giá tiêu đen 500 g/l và 550 g/l xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 6.200 - 6.500 USD/tấn. Cùng thời điểm khảo sát, giá tiêu trắng Muntok Indonesia đạt 9.055 USD/tấn. Trong khi tiêu trắng Việt Nam và tiêu trắng Malaysia đứng ở mức cao hơn là 9.400 USD/tấn và 10.500 USD/tấn. |