Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Cân nhắc giữa lợi ích và tác động
Thuế là giải pháp hiệu quả để hạn chế sử dụng thuốc lá? Tăng thuế đồ uống có cồn: Cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu kép |
Dự kiến, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 diễn ra trong tháng này. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo luật lần này là việc bổ sung nước giải khát có đường vào danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, việc xác định mức thuế suất đối với mặt hàng này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: Nước giải khát có đường vào 'tầm ngắm'
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các loại nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam với hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ chính thức được đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế suất đề xuất ban đầu là 10%.
Quy định mới này nhằm mục tiêu hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có đường, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì, tiểu đường. Tuy nhiên, mức thuế suất 10% lại đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Cho rằng mức thuế 10% là chưa đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, các bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế đề xuất mức thuế cao hơn, lên đến 40%.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt biệt đối với đồ uống có đường vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Nguyễn Hương |
Bộ Tài chính lại đề xuất giữ nguyên mức thuế 10% để vừa đảm bảo mục tiêu thu ngân sách, vừa khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại đồ uống có đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cả kỳ vọng tăng nguồn thu thuế hay nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng đều không đạt được.
Hụt thu ngân sách khoảng 4.978 tỷ đồng/năm
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát chỉ ra rằng, nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2,152 tỷ đồng. Từ những năm tiếp theo (tức từ năm 2027 trở đi), thu ngân sách cả từ cả thuế gián thu và thuế trực thu đều sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm.
Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chỉ ra rằng: "Toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chiếm 8,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm. Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản, bởi không loại trừ tình trạng lách thuế".
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTA), cũng bày tỏ quan ngại về việc áp thuế quá cao đối với nước giải khát có đường. Bà cho rằng: "Để đưa ra một chính sách thuế cần đảm bảo rõ ràng minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Riêng nước giải khát có đường có chuỗi cung ứng liên tục từ khâu nguyên liệu tới khâu sản xuất sau đó liên quan tới khâu dịch vụ, bán lẻ rồi ăn uống. Vì vậy, khi ngành nước giải khát có đường bị ảnh hưởng thì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, sinh kế người lao động nên cần cân nhắc kỹ".
Theo Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), các chính sách mới được ban hành gần đây đã khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành tăng lên đáng kể. Đơn cử, Luật Đất đai 2024 mới có hiệu lực từ ngày 1/8 cho phép công bố bảng giá đất mới và sẽ được điều chỉnh hàng năm. Việc điều chỉnh bảng giá đất mới khiến chi phí thuê đất của các doanh nghiệp tăng cao, gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất. Luật Bảo vệ môi trường với các quy định về trách nhiệm tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính cùng các loại phí môi trường làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Giá mặt hàng đường, nguyên liệu đầu vào cũng tăng do thuế VAT đối với mặt hàng đường đã điều chỉnh từ 5% lên 10%.
Hay dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi các luật này được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026, các doanh nghiệp ngành nước giải khát sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế nếu mặt hàng nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Với các lý do trên, doanh nghiệp trong ngành này buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Điều này có thể khiến lạm phát gia tăng khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong rổ hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số CPI.