Cà phê chín rộ, người dân ở Tây Nguyên hối hả vào vụ thu hoạch
Vào những ngày cuối tháng 11/2024, cà phê đang chín rộ trên những nương rẫy bạt ngàn của người dân tại các tỉnh Tây Nguyên. Nhà nhà, người người trồng cà phê bước vào vụ thu hái thật nhộn nhịp. Đi tới đâu cũng thấy những vườn cà phê chín mọng, đỏ rực đang chờ thu hoạch. Người dân tất bật làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm tới mịt tối với những công việc như thu hái, phơi cà phê.
Đặc biệt năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất cà phê tăng, bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao so với năm ngoái nên ai nấy đều rất phấn khởi.
Cà phê chín rộ người dân tỉnh Gia Lai đang tất bật thu hoạch. Ảnh: Hiền Mai |
Tại tỉnh Gia Lai, phóng viên đã đi ghi nhận thực tế, gia đình ông Đinh Công Nhung (57 tuổi, ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có 1ha cà phê đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Năm ngoái, cà phê cho thu bói được khoảng 1 tấn thì năm nay, vườn cà phê bắt đầu cho thu chính, ước sản lượng đạt khoảng hơn 2 tấn nhân.
Vừa thoăn thoắt tuốt những cành cà phê chín đỏ, ông Nhung vừa phấn khởi cho biết, từ giữa tháng 11/2024, gia đình ông đã bắt đầu thu bói những cây chín sớm và vài ngày nay, vườn chín rộ nên nhờ thêm người thân để hái đại trà.
"Vào vụ thu hoạch năm nay, giá thu mua ở mức cao so với 2 năm trước nên người trồng cà phê như chúng tôi rất vui. Trước đây, giá cà phê thấp nên nhiều hộ ít chăm sóc, thậm chí còn chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Bây giờ, những hộ gia đình vẫn gắn bó với cây cà phê đang hưởng niềm vui được giá cao" - ông Nhung chia sẻ.
Gia đình ông Đinh Công Nhung (57 tuổi, ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có 1ha cà phê đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Ảnh: Hiền Mai |
Cách vườn ông Nhung không xa, ông Huỳnh Văn Thân (48 tuổi) đang cùng người thân tất bật hái những trái cà phê chín mọng. Theo ông Thân, giá cà phê tươi đang được các đại lý thu mua với giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Vì thế khác với mọi năm, năm nay hầu hết nông dân trồng cà phê đều có mặt trong vườn từ sớm để thu hái cà phê. Để đảm bảo nhân lực thu hái cho kịp mùa vụ, gia đình ông đã thực hiện hình thức đổi công cho người nhà và các hộ dân trong làng.
"Năm ngoái, hơn 2 ha cà phê của gia đình thu được gần 5 tấn nhân. Năm nay, thời tiết ổn định, chăm sóc vườn cây tốt nên cây sai trái, nhân to, đều nên gia đình tôi hy vọng sẽ đạt hơn 6 tấn nhân. Hơn nữa, sau nhiều năm giá cà phê xuống thấp thì năm nay giá cà phê tăng cao hơn nên gia đình và bà con trong làng rất vui mừng. Tôi hy vọng giá cà phê sẽ giữ ở mức như hiện nay để bà con bù lại thời gian cầm cự khi giá xuống thấp, vật tư nông nghiệp ở mức cao" - ông Thân cho hay.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 105 nghìn ha cà phê, trong đó hơn 80 nghìn ha cà phê kinh doanh, tập trung các địa bàn trọng điểm như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh.
Tương tự, tại tỉnh Lâm Đồng có diện tích cà phê lớn với hơn 176 nghìn ha, sản lượng khoảng 572 nghìn tấn. Trong đó, diện tích cà phê có các chứng nhận 4C, UTZ, RainForest… đạt 88 nghìn ha, sản lượng đạt 297 nghìn tấn/năm.
Theo ghi nhận, 2 năm trở lại đây, giá cà phê đã tăng mạnh nên nông dân tại Lâm Đồng rất phấn khởi. Đặc biệt, đây là niên vụ đầu tiên giá chạm mốc 25 ngàn đồng/kg cà phê tươi và 110 ngàn đồng/kg cà phê nhân ngay từ đầu vụ.
Riêng, trong ngày 26/11/2024 giá cà phê giao động từ 26.000 - 27.500 đồng/kg tươi và 118.000 - 120.000 đồng/kg nhân tùy loại và tuỳ địa phương. Giá này đã tăng 2.500 - 3.500 đồng/kg tươi và 8.000 - 10.000 đồng/kg nhân so với hơn nửa tháng trước đó và tăng gấp khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 630 nghìn ha cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Lắk với "thủ phủ cà phê" đứng đầu cả vùng cũng như cả nước về diện tích với hơn 213 nghìn ha; đứng thứ 2 là tỉnh Lâm Đồng với diện tích hơn 176 nghìn ha; đứng thứ 3 là tỉnh Đắk Nông với diện tích khoảng 140 nghìn ha; tiếp đến là tỉnh Kon Tum với diện tích hơn 130 nghìn ha và cuối cùng là tỉnh Gia Lai với diện tích trên 105 nghìn ha.
Một số hình ảnh ghi nhận người dân tại một số tỉnh Tây Nguyên tất bật thu hái cà phê:
Đặc biệt khi tuốt cà phê thì phải dùng bao tay dày, nếu không tay sẽ bị rát, làm giảm năng suất hái. Ảnh: Hiền Mai |
Để đảm bảo nhân lực thu hái cho kịp mùa vụ, nhiều hộ gia đình đã thực hiện hình thức đổi công cho người nhà và các hộ dân trong làng. Ảnh: Hiền Mai |
Theo người dân, giá cà phê tươi đang được các đại lý thu mua với giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Ảnh: Hiền Mai |
Cà phê được hái từ sáng đến chiều muộn, kết thúc giờ làm, nông dân vác từng bao tải lớn về điểm tập kết. Ảnh: Hiền Mai |
Ngoài một bộ phận nhân công tất bật thu hái, số cà phê mang về sẽ có một số người chịu trách nhiệm phân loại và phơi khô. Ảnh: Hiền Mai |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 100.000 ha cà phê, trong đó hơn 80.000 ha cà phê kinh doanh, tập trung các địa bàn trọng điểm như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh. Ảnh: Hiền Mai |
Cà phê chín đỏ tại nhà vườn ở Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Cây cà phê đạt năng suất, chất lượng cao và được trồng theo mô hình hữu cơ tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Cà phê chín mọng tại nhà vườn ở xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lê Sơn |
Sau khi thu hái cà phê sẽ được người dân phơi khô trước khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: Lê Sơn |