Xuất khẩu tăng trưởng tích cực: Điểm sáng từ các thị trường có FTA
Xuất khẩu hàng hóa sẽ về đích trong năm nay Xuất khẩu sang các thị trường có FTA phục hồi, tăng trưởng tích cực |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 239 tỷ USD, tăng 15,1%, tương ứng tăng 31,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 124 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 115 tỷ USD, tăng 15,1%. Tính chung 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận thặng dư 9 tỷ USD. Các chỉ số có thể coi đã có tăng trưởng rất tích cực trong 4 tháng đầu năm, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu có thể kể tới như: Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu sang các thị trường có FTA phục hồi, tăng trưởng tích cực |
Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, đặc biệt là mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường.
Xuất khẩu nhóm hàng nông sản – vốn là nhóm thế mạnh của khối doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực doanh nghiệp này.
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%, sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.
Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam: sang Asean tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
Nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Một vài nền kinh tế lớn đi vào suy thoái kỹ thuật như Anh và Nhật Bản. Bất động sản thương mại toàn cầu đi vào giai đoạn khó khăn khi nhiều khoản nợ đến hạn tái cấu trúc. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai vẫn tiềm ẩn rủi ro phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ có những định hướng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.