Thủ tướng: Gỡ nút thắt, thúc đẩy các dự án cao tốc và vốn ODA ở ĐBSCL
Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD vốn ODA sau 25 năm Kiểm soát chi nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Trong chương trình công tác tại thành phố Cần Thơ, chiều 8/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Gỡ nút thắt về nguyên vật liệu cho các dự án cao tốc
Hiện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài hơn 460 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, gồm: Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau; Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2, Cao Lãnh-Lộ Tẻ và Cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi.
Theo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phản ánh, hiện việc triển khai các dự án cơ bản thuận lợi, tuy nhiên nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đắp nền đường. Trong đó, việc giải phóng, bàn giao mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu thi công, song tại một số khu vực đất ở, công trình hạ tầng kỹ thuật còn kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành các dự án.
Đối với nguồn vật liệu đắp nền, đến nay các dự án cơ bản xác định được nguồn cung, song nếu các thủ tục để cung cấp vật liệu cho các dự án không được khẩn trương hoàn thành dễ ảnh hưởng đến dự án. Riêng Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau, hiện mới có tỉnh Đồng Tháp xác định đủ nguồn vật liệu cung cấp cho dự án; các tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa đủ nguồn cho dự án.
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, kết luận về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao của cả nước; đặc biệt là trung tâm nông nghiệp của cả nước.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện rất tích cực và có hệ thống. Trong đó, cùng với cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư, tạo đột phá về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Hiện nay đã hoàn thành 5 quy hoạch liên quan hạ tầng giao thông là quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không. Theo đó, các trục đường bộ cao tốc chính của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã dần hình thành. Qua đó, giải quyết nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực; tạo ra không gian phát triển mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu lao động; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long đã khởi công đồng loạt các dự án đường cao tốc, đồng thời đẩy mạnh các dự án đã khởi công trước đây. Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 các tuyến cao tốc với tổng chiều dài 171 km; 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026. Như vậy, đến năm 2026, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.
Việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản là suôn sẻ, đúng hướng và đạt kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn như: Giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...
Cho rằng, trong quá trình thực hiện, có những vấn đề phát sinh là điều hết sức bình thường, phải phối hợp tập trung xử lý, tháo gỡ ngay, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành xử lý những vấn đề phát sinh kể trên.
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục quy định, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý III, tái định cư bảo đảm đời sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, di dời các công trình kỹ thuật. Đặc biệt, nút thắt lớn nhất của các dự án là bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp, do đó Thủ tướng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và trong từng dự án; yêu cầu phải hoàn thành các thủ tục để khai thác trong tháng 7/2023, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công một cách nhanh nhất có thể; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan.
Thủ tướng lưu ý việc thực hiện các dự án phải nghiêm túc quán triệt các yêu cầu bảo đảm chất lượng; bảo đảm tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm.
Thủ tướng nhắc nhở, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa những kết quả đã đạt được, đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu, không đội vốn.
Các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến độ.
Các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, an toàn, kỹ, mỹ thuật. Các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Đối với các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý 3 năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng; đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, giao nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án cụ thể; yêu cầu các cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với Tổ quốc; với tinh thần “tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước.”
Tăng cấp vốn các dự án ODA cho Đồng bằng sông Cửu Long
Hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài do địa phương là cơ quan chủ quản đang triển khai thực hiện, có tổng số vốn 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2021-2025, các dự án của địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được giao 15.174 tỷ đồng. Năm 2023, các địa phương được giao 2.884 tỷ đồng vốn nước ngoài từ ngân sách Trung ương. Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương giải ngân trung bình đạt 5,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước là 15,7%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN) |
Các đại biểu dự hội nghị cho biết, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được triển khai chậm do gặp khó khăn, vướng mắc chủ yếu do: thể chế, pháp luật quy định về vốn ODA, vốn vay ưu đãi chưa điều chỉnh theo kịp thực tiễn; tính sẵn sàng của các dự án còn thấp; vướng mắc trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay; vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn vay lại; khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ...
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, ODA là một trong những nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, cùng với những chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA được triển khai thuận lợi, hiệu quả, vẫn còn nhiều chương trình, dự án còn ách tắc, cần giải tỏa, trong đó có các dự án, chương trình tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư.
Để chuẩn bị tốt, hiệu quả các dự án mới, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng Đồng bắng sông Cửu Long, nhận diện đúng tình hình, những mặt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức; cho rằng dư địa vẫn còn lớn, do đó Thủ tướng đồng ý để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA cho các dự án và đồng ý cấp phát 90% vốn vay nước ngoài cho các dự án của Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ Đề xuất dự án theo quy định; xây dựng kế hoạch và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch; rà soát giao nhiệm vụ triển khai dự án cho Ban quản lý, chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và phối hợp với các bộ, ngành và nhà tài trợ thực hiện dự án ngay sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục vận động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; rà soát trao đổi với các đối tác phát triển đơn giản hóa, hài hòa các quy trình, thủ tục theo yêu cầu của nhà tài trợ và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, kết cấu hạ tầng chiến lược vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và đột phá, tạo điều kiện để vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.