Mạnh tay xử lý gian lận trên thương mại điện tử
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, trong lĩnh vực thương mại điện tử, 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 2.207 vụ; phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần 35,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 29,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.
Các vụ việc vi phạm được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra, xử lý thời gian qua cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu trên thương mại điện tử là: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng trên trang chủ website thương mại điện tử…
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, lợi dụng kẽ hở từ thị trường thương mại điện tử, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hóa, các đối tượng đã trà trộn hàng vi phạm, để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Song với sự nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng khác, trong 9 tháng qua, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ thị trường ổn định, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ trên 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được Phan Thủy Tiên livestream bán trên sàn thương mại điện tử. |
Ngày 15/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã ký công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo danh sách 600 website đã được Tổng cục cung cấp tới 63 Cục Quản lý thị trường địa phương; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm theo quy định của Luật (nếu có)…
Theo đó, từ nay đến cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước sẽ tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của các tài khoản xác định có dấu hiệu vi phạm, lập vi bằng làm căn cứ để phối hợp với các lực lượng chức năng, xác định được chính xác địa chỉ thực tế và đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Thời gian tới, Tổng cục cũng sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để tiến hành tổng hợp, nghiên cứu tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và chuyển thông tin đề nghị tới các nền tảng thương mại điện tử để triển khai kết nối API; tham mưu, phối hợp Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an trong chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 319.
Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử thì điều tiên quyết là cần thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Người dân chỉ nên mua hàng tại những trang website uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), tìm hiểu kỹ các điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… cũng như sản phẩm hàng hóa trước khi đặt mua; không ham hàng giá rẻ, tránh “sính hàng ngoại”, hàng nhái thương hiệu, nói “không” với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.