Chỉ bàn làm, không bàn lùi: Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,82%
Triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhờ đó nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có bước tăng trưởng ấn tượng.
Tăng trưởng ấn tượng
Ngày 21/10/2024, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2024 tại Quốc hội vào sáng ngày 21/10/2024 (Ảnh:quochoi.vn) |
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngâ sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 6,82%. Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão lụt, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Điều này cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế và sự phối hợp nhịp nhàng trong quá trình điều hành giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp và người dân.
Xuất khẩu hàng hóa cũng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, bất chấp những biến động trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, ngành du lịch ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những thành tựu này đã góp phần giữ vững sự ổn định của nền kinh tế trong giai đoạn đầy thách thức.
Giải pháp cho những tháng cuối năm 2024
Bước sang quý 4/2024, kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do độ mở lớn của nền kinh tế, chịu nhiều tác động từ rủi ro, bất ổn trên toàn cầu, bao gồm các vấn đề về kinh tế, địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh…
Trong bối cảnh này, mục tiêu tăng trưởng từ 6,8% đến 7% trong cả năm 2024 là một thách thức lớn. Điều này đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn...
Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.
3 tháng cuối năm phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định pháp luật còn vướng mắc. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.