Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính sách thuế giúp người dân và doanh nghiệp gỡ khó sau bão lũ
Đối thoại chính sách thuế với doanh nghiệp Sớm sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân Nâng cao năng lực phát triển, xây dựng chính sách thuế giữa Việt Nam - Nga |
Theo lãnh đạo Chính phủ, bão số 3 (Yagi) đã gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Thống kê đến ngày 26/9, bão, mưa lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn.
Bên cạnh đó, bão lũ khiến hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố; gần 350.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 8.100 lồng bè, 31.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi, thủy phá...
Khung cảnh nhà xưởng đổ nát tại Công ty Việt Trường sau bão Yagi. Ảnh T.H |
Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng.
Theo đó, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Theo đó, ngoài phương án giảm tiền thuê đất 15%, Bộ đề xuất thêm phương án thứ hai là 30%.
"Vừa qua, chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ cơn bão số 3 Yagi nên Bộ Tài chính đề xuất một phương án nữa là tăng gấp đôi mức giảm so với dự kiến ban đầu là phương án 30%, tương ứng với mức giảm tiền thuê đất của năm 2021, 2022 và 2023", ông Thịnh thông tin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Trong đó có nội dung liên quan đến việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng hiện nay lên 200-300 triệu đồng/năm.
Tính đến giữa tháng 9, tổng số thu ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 85% dự toán. Và để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nhất là tại các vùng ảnh hưởng do cơn bão số 3 vừa qua, sáng nay tại cuộc Họp báo thường kỳ quý III, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã đề xuất với Chính phủ nhiều chính sách thuế quan trọng.
Dự báo đến hết năm 2024, với sự nỗ lực của toàn ngành và xã hội, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành việc thu ngân sách Nhà nước. Qua đó, đảm bảo nguồn lực phục vụ các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội thông qua, cũng như phục vụ các nhiệm vụ chi đột xuất.
"Nhiệm vụ của Bộ Tài chính vẫn là tập trung thu đúng, đủ các khoản thu ngân sách và đạt được nhiệm vụ thu ở mức cao nhất, đảm bảo đạt mục tiêu, nếu vượt thì sẽ đáp ứng yêu cầu chi các nhiệm vụ đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng, dự án trọng điểm", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Tháng 10 sắp tới sẽ diễn ra kỳ họp Quốc hội, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội nhiều đề án quan trọng. Trong đó, có 2 Luật Thuế GTGT và 1 Luật sửa 7 luật. Đồng thời, có 3 luật trình xin ý kiến Quốc hội thảo luận cho ý kiến là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, quan trọng, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn chịu trách nhiệm các nội dung luật chủ động xây dựng, báo cáo các cấp có thẩm quyền, Quốc hội, nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ.