Rộng cửa cho nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Thị trường Trung Quốc yêu cầu khắt khe với an toàn vệ sinh thực phẩm Thị trường Trung Quốc tăng nhu cầu tinh bột sắn |
Trung Quốc là thị trường tiềm năng trong năm 2023
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nông sản Việt đang được hậu thuẫn từ nhiều phía. Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc đầu tháng 11/2022, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu rau quả đã được ký có lợi cho Việt Nam. Trong đó, sầu riêng, mít là nhóm được hưởng lợi sớm nhất. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, cơ hội cho nông sản càng nhiều.
Hiện Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Do đó, theo ông Nguyên, đây là thị trường đáng mong đợi nhất trong năm nay.
Nông sản đang có nhiều cơ hội vươn ra thị trường Trung Quốc |
Suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát và Trung Quốc kiên định chính sách Zero Covid, Công ty TNHH XNK Phương Ngọc (Tiền Giang) vẫn túc tắc có đơn hàng sang thị trường này, tuy nhiên mỗi ngày được chỉ được 1 container khoảng 20 - 30 tấn mít hoặc 2 - 3 ngày mới được 1 container sầu riêng. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các dơn hàng đã tăng rất nhiều. Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc công ty cho biết: “So với thời điểm có dịch Covid-19 thì đơn hàng của công ty đã tăng hơn rất nhiều. Chúng tôi đã lên kế hoạch đặt hàng của nhà vườn để bán hết công suất, tức là khoảng 160-200 tấn sầu riêng và mít mỗi ngày”.
Tương tự như Công ty Phương Ngọc, bà Công ty TNHH XNK Trái cây Hoa Cương cũng đang nhộn nhịp thu mua trái cây để kịp các đơn hàng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Hoa Cương cho biết, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại thì sản lượng của công ty đã dần ổn định hơn so với những tháng trước. Hiện tại, công ty đang thu mua khoảng 1.500-2.500 tấn hoa quả mỗi tháng để xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng rất nhiều so với trước đây.
Là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, hiện mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 10 tỷ USD nông sản từ Việt Nam. Riêng rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngay sau khi thị trường này mở cửa, hàng loạt nông sản thế mạnh nông sản Việt được doanh nghiệp tập trung thu mua để xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, diện nông sản xuất sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp thu mua tăng từ 30% tới 50% so với trước đó. Kế hoạch thu mua nông sản hết công xuất nhà máy đang được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch. Dự kiến, khoảng cuối tháng 2, khi vào mùa vụ mới thì việc thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ nhộn nhịp hơn hiện nay.
Đặc biệt, điều đáng mừng là kể từ khi thị trường này mở cửa thì giá các loại nông sản như thanh long, sầu riêng, mít đã tăng rõ rệt. Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An chia sẻ, kể từ trước khi có thông tin Trung Quốc mở cửa trở lại thì đã thanh long đã chớm lên rồi. Khi Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1 thì giá thanh long lên rất cao, tăng gấp 3 lần. Hiện giá thanh long tại vườn dao động từ 30.000 – 33.000 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn đại dịch bùng phát.
Không chỉ thanh long mà trong tháng 1 và tháng 2, giá sầu riêng đã tăng cao chưa từng có lên 190.000 đồng một kg với monthong Thái Lan, 150.000 đồng một kg với Ri 6. Còn với na giá tại vườn 50.000-60.000 đồng một kg, mít Thái 18.000-25.000 đồng…
Hướng đến xuất khẩu bền vững
Có thể thấy việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp giá nông sản tăng rất cao và thị trường dần sôi động trở lại. Song theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên quá hấp tấp quay lại thị trường mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi, Trung Quốc hiện tại đã có những quy định rất mới và khá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - Bộ Công Thương nêu thực tế: “Hiện nay, hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng”.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Do đó, không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo, Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này. Đặc biệt, từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Điều này sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.