Môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá tích cực
Để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Đông Nam Á Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư số một của doanh nghiệp Hàn Quốc |
Thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Thông tin tại "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc” tổ chức chiều 23/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong những năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc. Định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là thu hút có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
"Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc” tổ chức chiều 23/6, tại Hà Nội |
Nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt - Hàn trong thời gian tới, Tổng thống Hàn Quốc cho biết ngoài đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực, việc hai nước cần làm hiện nay là phá vỡ những rào cản đang ngăn cản hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-Yeol cho biết, Hàn Quốc đang triển khai các chính sách đối ngoại lớn như Tầm nhìn quốc gia chủ chốt toàn cầu (GPS) và Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI). Trong đó, quốc gia quan trọng nhất đối với Hàn Quốc trong Sáng kiến KASI là Việt Nam.
Theo Moody và S&P, Việt Nam là một trong 2 quốc gia của châu Á có cải thiện về chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (và đứng thứ 8 thế giới). JETRO đánh giá Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực châu Á. Khảo sát của EuroCham cho thấy, trong quý I/2023, Việt Nam được thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. |
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, hiện Hàn Quốc đã đầu tư 9.666 dự án vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 81,5 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 666,52 triệu USD vào Việt Nam, đây là số vốn đăng ký của 167 dự án đầu tư mới, 122 dự án điều chỉnh vốn và 364 dự án góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Hiện có 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, hoạt động không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn hướng tới các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trưởng xanh… với khoảng 1,3 tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh… Doanh nghiệp Hàn Quốc có những đóng góp quan trọng trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp điện tử, năng lượng, ô tô, xây dựng...
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tại diễn đàn, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - nhận định chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu đang được tái cấu trúc mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, ông Choi Joo Ho cho biết triết lý kinh doanh của Samsung là "tương sinh cùng phát triển", hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Lee Jae-yong - Chủ tịch Tập đoàn Samsung - đánh giá "sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc". |
Theo đó, Samsung đã chia sẻ các kỹ năng sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng nhà máy thông minh nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh trong ngành sản xuất địa phương. Tập đoàn cho biết đã tư vấn cho gần 400 công ty, giúp thúc đẩy sản lượng 39%, giảm hàng tồn kho 36% và sản phẩm lỗi 52%. Trong số 379 doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo, 33 công ty đã trở thành đối tác của Samsung. Tập đoàn lên kế hoạch tiếp tục tư vấn cho 24 doanh nghiệp và 50 chuyên gia trong năm 2023.
Samsung Electronics sản xuất gần một nửa số điện thoại thông minh Galaxy tại các nhà máy thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.Hồ Chí Minh. Mặt hàng này đóng góp vào khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Mở ra triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư mới
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Tình hình thế giới đang chịu nhiều khó khăn, bất ổn với xung đột Nga - Ukraine; nhiều tập đoàn đa quốc gia tái cơ cấu chuỗi sản xuất, hạn chế hoạt đầu đầu tư mới; cùng với khủng hoảng của một số ngân hàng.
Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực gia tăng; một số đối tác nước ngoài của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu có xu hướng giảm đầu tư ra nước ngoài do chi phí đầu tư tăng. Cùng với đó là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
"Trong nước, Chính phủ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới" - ông Đỗ Nhất Hoàng thông tin và cho rằng thủ tục hành chính còn bất cập, tình trạng thiếu điện ở một số địa phương phía Bắc, sức mua của thị trường giảm và tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động chất lượng cao.
Nhận xét về xu hướng đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại các quyết định đầu tư vào Việt Nam do những vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục đầu tư sau cấp phép; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như: Công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo...
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với vai trò "cánh tay nối dài" của các doanh nghiệp Hàn Quốc với Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các hiệp hội Hàn Quốc kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp (FDI), thứ hai về hỗ trợ phát triển (ODA) và thứ ba về thương mại. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021. Trong quý I, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là 18,1 tỷ USD. |