“Ma trận” mỹ phẩm không nguồn gốc
Trên thị trường hiện này, các loại mỹ phẩm rẻ, không rõ nguồn gốc, được rao bán tràn lan. Nhiều người biết rõ rằng, sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường đối với sức khỏe. Tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, một số người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Thực trạng này dấy lên những lo ngại về hậu quả cho người tiêu dùng khi sử dụng những loại “mỹ phẩm” mà không ai biết thành phần gồm những gì và tác dụng ra sao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, hình thức mua sắm những mặt hàng này trên mạng càng trở nên dễ dàng hơn và khi đã mua online càng khó đoán được chất lượng mặt hàng. Trên một số sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua được thứ mình cần từ mức giá rẻ nhất. Điển hình, son chỉ có giá từ 20.000 - 150.000 đồng; phấn trang điểm từ 100.000 đồng; serum dưỡng da của hãng mỹ phẩm nổi tiếng cũng chỉ dưới 300.000 đồng…. Dễ mua, giá rẻ, có lẽ là tiêu chí lựa chọn của không ít người tiêu dùng.
Mỹ phẩm giá rẻ được bán tràn lan trên mạng |
Rõ ràng, với xã hội phát triển như hiện nay, mỹ phẩm là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chị em phụ nữ và ngay cả với nam giới. Số lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao đã khiến mỹ phẩm trở thành mục tiêu làm nhái, làm giả của các đối tượng phi pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp làm giả làm nhái mỹ phẩm cao cấp.
Nổi cộm nhất là vụ việc một xưởng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện đang sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Coco Chanel, Pink Lady Shower… Nhiều sản phẩm còn được sản xuất từ nhiều nguyên liệu hóa chất trôi nổi, đựng trong các xô, chậu. Kết quả kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 6.600 chai sữa tắm giả thương hiệu nổi tiếng của Pháp; gần 1.000 hộp sữa tắm xông trắng; 6.000 lọ Serum làm sáng da Vitamin C Balance; gần 1.400 chai sữa tắm hương hoa cỏ Innisfree; 2.300kg dầu gội không nhãn mác; 2.400 chai bao bì Coco Chanel; 1.100 vỏ hộp giấy 350ml Coco Chanel; 3 chiếc máy dùng để sản xuất mỹ phẩm. Số mỹ phẩm này đa phần không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.
Phát hiện xưởng sang chiết mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam |
Hay mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã thực hiện cuộc “tổng tấn công” quy mô lớn vào các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ hàng chục tấn sản phẩm không có giấy tờ hợp pháp. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Theo quy định của pháp luật, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường phải có tem nhãn phụ. Những mặt hàng trên không có nhãn mác phụ, không có hóa đơn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và hầu hết được bán qua livestream, Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi.
Trên thực tế đã có không ít vụ việc “tiền mất tật mang” ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và nhan sắc vì mua phải hàng giả. Mặc dù biết rõ rằng sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường cho sức khỏe, tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Chính tâm lý này cũng là một trong những hành vi tiếp tay cho vấn nạn mỹ phẩm giả tràn lan.
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, việc kinh doanh hàng mỹ phẩm giả người bán có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả. Cụ thể, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, đây đã phải chế tài đủ mạnh để triệt để ngăn chặn vấn nạn mỹ phẩm giả? Bởi, lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc còn cao gấp chục lần so với việc phạt hành chính. Nếu những sản phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.