Đánh thuế bất động sản thứ hai liệu có khả thi?
Đánh thuế bất động sản thứ hai có làm tăng giá nhà đất? Thuế bất động sản có giúp 'kiềm' giá nhà đất? |
Đánh thuế bất động sản thứ hai: Đề xuất nhiều năm, vẫn còn nhiều tranh cãi
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất nhằm giảm giá nhà ở. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và cho rằng "đây là đề xuất rất đáng tiếp thu và nghiên cứu”.
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai đã có từ nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi. Ảnh S.T |
Đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu nhằm hạ giá nhà. Thực tế, đề xuất đánh thuế căn hộ thứ hai trở đi đã được nghiên cứu từ cách đây hàng thập kỷ. Đặc biệt, cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ có thể thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sắc thuế này sau 15 năm vẫn chỉ là ý tưởng
Thời gian gần đây, cuối năm 2022, UBND TP.HCM cũng từng có tờ trình gửi Chính phủ, trong đó đề xuất được quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ 2 trở lên của người dân. Tiếp đó tháng 8/2023, cử tri TP HCM tiếp tục đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất.
Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn
Về chính sách đánh thuế bất động sản thứ 2 đã nhiều lần được đề xuất, đã bàn đi, bàn lại nhiều, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Năm 2023, đề xuất đánh thuế cao đối với những người sở hữu nhà thứ hai đã được đưa vào dự thảo dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM sau đó lại được loại bỏ vì qua thảo luận cho thấy còn nhiều tồn tại các bất cập, có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp như người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở trở lên có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.
Cơ chế này cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.
Nghiên cứu về chính sách thuế bất động sản là cần thiết, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, khuyến khích sử dụng bất động sản hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Song, việc này cần có lộ trình, tránh gây cú "sốc" cho thị trường.
Đánh thuế bất động sản thứ hai không khả thi, vì sao?
Cũng bàn về vấn đề này, tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển”, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Trường Đại học Thành Đông đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến việc đánh thuế những người sở hữu từ ngôi nhà thứ hai sẽ không hiệu quả và không khả thi trong thời điểm hiện nay.
Ông Long cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng ách tắc thị trường bất động sản là thiếu cung, vướng mắc pháp lý và đầu cơ, chứ không phải do sở hữu nhiều bất động sản. Chính sách đánh thuế cũng có thể bất công với những người chỉ sở hữu một bất động sản nhưng có diện tích hoặc giá trị lớn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Ảnh Diệu Phú |
Hơn nữa, Việt Nam hiện chưa có hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đầy đủ để xác định nhà thứ hai, định giá và thực hiện thuế. Tình trạng "đứng tên" phổ biến cũng tạo kẽ hở cho việc trốn thuế. Ngoài ra, đánh thuế có thể đẩy giá nhà, đất tăng lên, ảnh hưởng đến giấc mơ sở hữu nhà của người dân và gây chậm phục hồi cho thị trường. Hiện tại, thị trường bất động sản đang trong quá trình phục hồi, không nên gây thêm cú sốc bằng việc đánh thuế.
Vị chuyên gia lấy dẫn chứng ở nhiều quốc gia phát triển, việc đóng thuế tài sản không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và giá nhà tăng phi mã. Đơn cử như việc áp dụng đánh thuế tài sản cao như Singapore vẫn không ngăn được tình trạng đầu cơ và tăng giá nhà đất. Ngược lại, Trung Quốc áp dụng thuế suất cao đối với nhà thứ hai nhưng lại dẫn đến tác dụng ngược.
Ông Long cho rằng, biện pháp đánh thuế đối với bất động sản thứ hai cần phải được thực hiện bài bản và cần phải có đủ công cụ bao quát đủ rộng. Nếu không bao quát đầy đủ, việc áp dụng đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt thị trường bất động sản ở các địa phương khác khi chưa phục hồi.
“Đánh thuế bất động sản thứ hai cũng là một chính sách cần nghiên cứu điều tiết thị trường bất động sản nhưng có áp ngay hay không cần rà soát tính toán thấu đáo. Chúng ta cần nghiên cứu đến hiệu quả và tính khả thi, bởi hiện nay còn nhiều lý do hạn chế bất cập. Chính sách này cần tính toán kỹ để không triệt tiêu cơ hội phát triển của thị trường bất động sản - lĩnh vực vốn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngành nghề liên quan”, ông Long nhấn mạnh.